Giá cước 3G tăng là hợp lý


- Tháng trước, MobiFone bất ngờ tiến hành tăng giá gói cước 3G sử dụng không giới hạn hàng tháng lên 50.000 đồng/tháng, tương đương với mức tăng 10.000 đồng. Với động thái này, giá cước 3G tại Việt Nam đã được nâng lên một mặt bằng mới.











3G, tăng cước, nhà mạng, Bộ TT&TT
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng: "Bộ sẽ quản lý giá cước dựa trên giá thành, mặt bằng chung của quốc tế và khả năng chi trả của người dân". Ảnh: Trọng Cầm.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các nhà mạng điều chỉnh giá cước xuất phát từ sự bùng nổ của các ứng dụng cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí qua kết nối 3G hoặc Wi-Fi hiện nay (như Viber, WhatsApp, Kakao Talk, Line...) - được gọi chung là các ứng dụng OTT. Do quan điểm của cơ quan quản lý là Bộ TT&TT không cấm các ứng dụng OTT như kiến nghị của một số mạng (tiêu biểu là Viettel), các mạng đã quyết định tăng giá để bảo vệ nguồn thu.


Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ rằng giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới, trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu của người dân. Để so sánh thì ở một nước rất gần VN như Thái Lan, giá ăn uống rất rẻ song cước di động và 3G lại rất cao. Điều này ngược với ở VN, giá cước di động nếu so với mặt bằng ăn uống, sinh hoạt thì rẻ hơn nhiều.


Chính vì thế, Thứ trưởng Thắng khẳng định, việc giá cước sẽ dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành là một xu hướng tất yếu, "đương nhiên". Lý giải cho điều này, Thứ trưởng cho biết trong thời gian đầu triển khai 3G, để thu hút người dùng và để kích cầu cho thị trường, doanh nghiệp đã phải bấm bụng bán dưới giá thành, đưa ra mức cước rất rẻ. Đồng thời, Bộ cũng chưa quản lý giá cước để tạo điều kiện cho thị trường phát triển.


Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi số lượng thuê bao và tỷ lệ sử dụng 3G đã tăng mạnh, thì DN cần phải điều chỉnh lại giá cước tiệm cận với giá thành, nhất là trong bối cảnh các ứng dụng OTT đang nở rộ.


"Nói cho cùng thì nhà mạng cũng phải kinh doanh. Đã kinh doanh thì phải tính tới chuyện có lãi", Thứ trưởng chia sẻ. Hiện các ứng dụng chiếm nhiều băng thông như video, game xuất hiện ngày càng nhiều, băng thông bị chiếm khiến chi phí DN đội lên, nhưng doanh thu thu về lại hạn chế. Hiển nhiên, đây là một bài toán khiến các nhà mạng rất đau đầu.


Hướng quản lý của Bộ TT&TT đối với giá cước 3G trong thời gian tới là sẽ quản lý dựa trên 3 tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là giá thành. "Để quản lý được giá thành thì thị trường phải có sự cạnh tranh, vì cạnh tranh là cách tốt nhất để giảm chi phí, giá thành và tăng chất lượng dịch vụ", Thứ trưởng nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, Bộ cũng cân nhắc dựa trên giá cước trung bình của quốc tế để giá cước 3G Việt Nam tương đồng với thế giới. Cuối cùng, khả năng chi trả của người dân, cán cân cung cầu của thị trường cũng là một tiêu chí cần được xét đến.


Mặc dù vậy, đồng tình với quan điểm của các chuyên gia, Thứ trưởng cho rằng tăng cước chỉ là một trong nhiều biện pháp mà nhà mạng có thể thực thi để tạo ra lợi nhuận. Trong thực tiễn có rất nhiều giải pháp khác "mềm mại" hơn và dễ được người dùng chấp nhận hơn như đa dạng hóa các gói cước, thỏa mãn các nhu cầu khác nhau của người dùng.


Trước đó, chuyên gia Tommy Sum của Huawei đã nhận định rằng, mô hình 2-3 gói cước (tính cước theo mức độ sử dụng và gói cước không giới hạn) mà các nhà mạng VN đang áp dụng là quá cứng nhắc và không mang lại nhiều giá trị. Ông Sum có nêu ra một số hình thức cước ở Thái như gói cước dành riêng cho iPad/tablet (ưu tiên lưu lượng dữ liệu lớn); gói cước iTalk cho những người đàm thoại và chat nhiều... v...v. Một số chuyên gia khác thì cho rằng, nên có những gói cước VIP, ưu tiên băng thông và tốc độ cho những khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn. Ngược lại, cũng có những gói cước 3G dành cho sinh viên, học sinh theo tiêu chí tiết kiệm....


Đối với hướng xử lý của Bộ đối với các ứng dụng OTT, Thứ trưởng Thắng cho biết, hạ tầng 3G của VN hiện khá tốt nhưng ứng dụng lại yếu. Bộ sẽ xem xét để xây dựng cơ chế hình thành mối quan hệ giữa các ứng dụng OTT, các nhà cung cấp nội dung (CSP) và nhà mạng (telco) trong thời gian tới, theo quan điểm các bên cùng có lợi. Nhưng trên thực tế, mối quan hệ căng thẳng giữa nhà mạng và các ứng dụng OTT là chuyện xảy ra ở phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở VN, và quan điểm của Bộ là phải tìm cách giải quyết sao cho người dùng đạt được lợi ích cao nhất.


Trọng Cầm













Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn