Những cổ vật này là bằng chứng cho thấy loài người đã có khả năng sáng tạo ra giày da, mặt nạ, mắt nhân tạo... từ hàng nghìn năm trước.
Cần sa lâu đời nhất (2.700 năm tuổi)
Năm 2008, khoảng 900g của một loại lá vẫn còn màu xanh được tìm thấy ở sa mạc Gobi, Trung Quốc. Các nhà khoa học nhận định rằng đó là loại cần sa lớn tuổi nhất thế giới và có niên đại cách đây 2.700 năm.
Một loạt các kiểm tra đã chứng minh rằng cần sa trong xã hội cổ đại cũng đã có thuộc tính kích thích thần kinh mạnh. Điều này khiến cho các nhà khoa học nghi ngờ giả thuyết người xưa trồng cần sa chỉ cho mục đích làm quần áo, dây thừng và các đồ vật khác. Họ rất có thể dùng chúng để kích thích sự hưng phấn của thần kinh. Tác giả của nghiên cứu Ethan Russo nói rằng cần sa cổ đại “khá là giống” với loại được trồng ngày nay.
Kẹo cao su lâu đời nhất (5.000 năm tuổi)
Năm 2007, một mẩu kẹo cao su của 5.000 năm trước được tìm thấy tại Phần Lan bởi các sinh viên khảo cổ học người Anh. Mẩu kẹo từ thời kì đồ đá, được làm từ nhựa của vỏ cây bạch dương, vẫn còn lưu dấu răng của người cổ đại trên đó.
“Nhựa cây bạch dương có chứa chất phenol, là một hỗn hợp có tính khử trùng. Các nhà khoa học tin rằng người ở thời kì đồ đá nhai loại hỗn hợp này với mục đích chữa nhiễm trùng nướu” - nhà khoa học Trevor Brown của Đại học Derby (Anh) cho biết.
Chiếc giày da lâu đời nhất (5.500 năm tuổi)
Chiếc giày cổ đại này được tìm thấy vào năm 2010 tại một hang động ở Armenia. Kích cỡ của chiếc giày khoảng size 7 loại dành cho nữ giới, và có vẻ là chiếc bên phải.
Chiếc giày có hình dạng rất giống với các kiểu giày hiện nay. Mẫu vật được tìm thấy chứa đầy cỏ bên trong, dường như được làm từ da của loài nai, có niên đại cách đây 5.500 năm và được bảo quản rất tốt nhờ vào phân cừu.
Thử nghiệm cacrbon phóng xạ cho thấy chiếc giày ra đời khoảng năm 3.500 trước Công nguyên, vào thời kì đồ đồng. Chiếc giày tiền sử này có phần gót và mũi chân được nén rất chặt, có thể là do nhu cầu đi lại rất nhiều của người thời xưa. Mặc dù vậy, chiếc giầy không có vẻ gì là bị hỏng.
Nhạc cụ lâu đời nhất (42.000 năm tuổi)
Năm 2012, các nhà nghiên cứu phát hiện ra loại nhạc cụ được cho là lớn tuổi nhất thế giới. Đó là một đôi sáo flute làm từ xương chim và ngà voi, được tìm thấy ở hang động Hohle Fels (Đức). Đây cũng là bằng chứng cho thấy các hoạt động giải trí của loài người tinh khôn. Sử dụng phóng xạ carbon để tính tuổi của cặp sáo cho thấy chúng có lẽ ra đời trong khoảng 42.000 tới 43.000 năm về trước.
Mắt nhân tạo lâu đời nhất (4.800 năm)
Theo một báo cáo năm 2006, các nhà khảo cổ học Iran đã khám phá ra tròng mắt nhân tạo, có niên đại cách đây 4.800 năm. Tròng mắt này thuộc về một phụ nữ khỏe mạnh đã qua đời ở độ tuổi khoảng 25 tới 30. Chất liệu để làm tròng mắt này bao gồm một loại nhựa cây trộn với mỡ động vật. Các nghiên cứu trên tròng mắt này cũng cho thấy sự hình thành của chứng nhiễm trùng khi mí mắt tiếp xúc với tròng mắt lâu ngày. Thêm vào đó, các mô mí mắt cũng vẫn được tìm thấy trên tròng mắt nhân tạo này.
Chiếc váy lâu đời nhất (5.900 năm tuổi)
Tại hang động Areni -1 của Armenia, cùng địa điểm khai quật chiếc giày cổ nhất, một chiếc váy làm từ cây lau có niên đại cách đây 5.900 năm tuổi cũng được tìm thấy. Hang động này được khai quật bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Anh, Mỹ và Armenia từ năm 2007. Nơi đây cũng tập trung rất nhiều các công trình khảo cổ đặc sắc, bao gồm cả xác ướp của một con dê từ khoảng 5.900 năm trước, hơn 1.000 năm so với các xác ướp động vật được tìm thấy ở Ai Cập.
Bỏng ngô lâu đời nhất (6.700 năm tuổi)
Năm 2012, các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng cho thấy những tộc người sống dọc bờ biển Peru đã ăn bỏng ngô 1.000 năm trước thời điểm từng được ước lượng trước đây – thậm chí trước cả thời điểm ra đời của đồ gốm sứ.
Vỏ ngô, thân cây, bắp và tua có niên đại từ 6.700 tới 3.000 năm trước tại vùng Paredones và Huaca Prieta, hai vùng bờ biển phía Bắc Peru, được tìm thấy bởi các nhà nghiên cứu Mỹ và Peru. Các đặc điểm của cây ngô ở thời đại này cho thấy người cổ xưa đã ăn chúng theo vài cách, trong đó có cả nghiền bột hoặc rang ngô.
Chiếc ví lâu đời nhất (4.500 tuổi)
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy chiếc ví này trong một hang động ở Đức. Bên ngoài chiếc ví được gắn hơn 100 chiếc răng chó sắp xếp cạnh nhau theo một trật tự nhất định. Có vẻ như nó là một chiếc ví thời trang ở thời đại đó. Các nhà khảo cổ học cho biết, những chiếc răng này dùng để trang trí cho nắp ngoài của một chiếc túi cầm tay. Qua thời gian, lớp da hoặc vải bị biến mất, và phần còn lại chỉ là những chiếc răng. Chúng được sắp đều theo một chiều, và trông rất giống nắp của một chiếc túi hiện đại.
Tấm đệm lâu đời nhất (77.000 năm tuổi)
Năm 2011, trong một hang động ở Nam Phi, các nhà khảo cổ học tìm thấy một đồ vật mà họ tin rằng đây là tấm đệm cổ nhất thế giới. Tấm đệm này được bện từ nhiều lớp lau sậy và cói, có niên đại khoảng 77.000 năm tuổi.
Chiếc mặt nạ lâu đời nhất (9.000 năm tuổi)
Chiếc mặt nạ đá này có lẽ được làm từ thời đồ đá, khoảng 7000 năm trước Công nguyên, trước cả khi gốm sứ ra đời. Cho đến nay, đây là chiếc mặt nạ nhiều tuổi nhất được phát hiện trên thế giới, và hiện đang được trưng bày tại Paris.