Bại liệt sau khi bị muỗi cắn


Một phụ nữ Anh đã phải ngồi xe lăn 4 tháng và bị bại liệt gần như toàn thân trong 3 tuần sau khi bị muỗi cắn trong kỳ nghỉ ở Australia.













muỗi cắn, bại liệt, hội chứng Guillain-Barre, bệnh hiếm gặp
Sau khi bị muỗi cắn, Natasha Porter đã bị bại liệt từ cổ trở xuống và phải gắn chặt với xe lăn trong 4 tháng. Ảnh: SWNS

Natasha Porter, 23 tuổi, đến từ Crawley, West Sussex (Anh) đã trải qua sự cố nhớ đời khi đang trong kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần ở Australia.


Porter kể, cô đã bay tới miền tây Australia vào tháng 3/2012 và mất 7 tháng sau đó làm việc cho một quán cà phê tại đây nhằm tích cóp tiền cho chuyến du lịch bờ biển miền đông nước này.


Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau khi đặt chân đến Cairns trong hành trình du lịch đã định, Porter bị một con muỗi cắn và bắt đầu phát hiện ngón chân của mình bị tê liệt. Chỉ 2 ngày sau đó, tình trạng mất cảm giác lan tới các cánh tay của cô.


Porter đã tới gặp một dược sĩ địa phương và người này cho rằng các triệu chứng của cô chỉ là một phản ứng dị ứng. Ông ta kê cho cô dùng các thuốc kháng histamine.


Tuy nhiên, khi các cánh tay của Porter bắt đầu tạo cảm giác nặng như đá đè và cô không thể nhấc cao chúng để chải tóc, Porter đã thăm khám một bác sĩ, người chẩn đoán cô bị stress và lo lắng thái quá. Dẫu vậy, 2 ngày tiếp theo, một cặp du khách cùng đoàn đã phải đưa Porter vào viện cấp cứu trong tình trạng bị bại liệt từ cổ trở xuống.


Các bác sĩ đã thử nghiệm phản ứng và phát hiện Porter gần như không thể cử động được cơ thể, trừ phần đầu. Họ xác định, cô gái người Anh này mắc hội chứng Guillain-Barre. Đây là một hội chứng hiếm gặp và nghiêm trọng, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công hệ thần kinh ngoại biên.


Nguyên nhân chính xác của bệnh hiện vẫn chưa rõ, nhưng theo các chuyên gia, tới 60% người mắc hội chứng Guillain-Barre có biểu hiện bệnh khi một loại vi khuẩn hoặc virus nào đó xâm nhập vào cơ thể và kích thích hệ miễn dịch tấn công các dây thần kinh ngoại biên. Điều này khiến các dây thần kinh trở nên viêm sưng, rồi ngưng hoạt động và trong một số trường hợp làm cơ thể tê liệt.


Hội chứng có thể gây tử vong, nhưng khoảng 80% bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau nhiều tuần điều trị trong bệnh viện. Trong khi đó, một số khác có thể mất cả năm hoặc thậm chí lâu hơn để trở lại bình thường.


Trong trường hợp của Porter, cô đã có thể cử động trở lại dần dần nhờ phương pháp vật lý trị liệu. Trong vòng 3 tuần, cô gái trẻ bắt đầu dịch chuyển được các cánh tay vài xen-ti-mét và 6 tuần sau khi bị bại liệt, cô đã đứng được vài giây với sự hỗ trợ của 3 y tá.


Đến tháng 11 năm ngoái, Porter đã bay trở về quê hương với sự tháp tùng của 2 y tá. Đến dịp năm mới, cô đã có thể thực hiện những chuyến đi ngắn trên xe lăn và tới cuối tháng 1 đã khiêu vũ với bạn bè lần đầu tiên sau sự cố nhớ đời.


Hiện nay, Porter đã hồi phục hoàn toàn. Cô đang lên kế hoạch hoàn thành cuộc du hành vòng quanh thế giới và trèo lên nơi cắm trại ở núi Everest.


Tuấn Anh(Theo Daily Mail)






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn