Duy trì các thói quen sử dụng hợp lý không chỉ giúp điện thoại chạy ổn định mà còn tiết kiệm pin và kéo dài tuổi thọ thiết bị. Dưới đây là những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả được các chuyên gia công nghệ khuyến nghị để làm "sạch" smartphone.
Xóa thư mục trống để giữ bộ nhớ gọn gàng
Theo thời gian, smartphone có thể sinh ra nhiều thư mục rỗng sau khi bạn cập nhật phần mềm hoặc gỡ cài đặt ứng dụng. Dù những thư mục này không chiếm nhiều dung lượng, chúng khiến bộ nhớ trở nên lộn xộn, gây khó khăn trong việc tìm kiếm và quản lý dữ liệu, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hiệu suất thiết bị.
Trên Android, bạn có thể xóa chúng thủ công hoặc dùng ứng dụng hỗ trợ như Empty Folder Deleter. Với iPhone, do hệ thống bảo mật chặt chẽ, việc này cần thực hiện bằng tay. Tốt nhất, bạn nên tạo thói quen dọn dẹp sau mỗi lần cài đặt lại hoặc khôi phục thiết bị.
![]() |
Minh họa về việc xóa bộ nhớ đệm. Ảnh: PhoneArena |
Giải quyết lỗi ứng dụng bằng cách xóa bộ nhớ đệm
Thay vì xóa ứng dụng và cài đặt lại khi gặp lỗi, hãy thử xóa bộ nhớ đệm – nơi lưu các dữ liệu tạm nhằm giúp ứng dụng khởi chạy nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu để lâu, cache có thể tích tụ và gây ra các vấn đề về hiệu suất.
Việc xóa cache không làm mất dữ liệu cá nhân, nhưng lại là cách đơn giản để xử lý lỗi và giúp ứng dụng hoạt động ổn định hơn.
Khởi động lại điện thoại định kỳ
Một trong những mẹo dễ thực hiện nhất để cải thiện hiệu suất smartphone là khởi động lại máy thường xuyên. Việc này giúp giải phóng bộ nhớ tạm, sửa lỗi nhỏ và cải thiện tốc độ phản hồi của hệ thống.
Ngoài ra, việc khởi động lại cũng giúp tăng cường bảo mật, ngăn chặn các mối đe dọa mạng. Dù mất vài phút, thao tác này nên trở thành thói quen để giữ cho điện thoại hoạt động ổn định.
Sử dụng chế độ Máy bay để cải thiện kết nối
Nếu gặp tình trạng sóng yếu hoặc mạng dữ liệu chập chờn, bạn có thể bật và tắt chế độ Máy bay. Tính năng này giúp điện thoại ngắt toàn bộ kết nối không dây, sau đó tự động tái kết nối lại khi tắt chế độ, từ đó khôi phục tín hiệu hiệu quả hơn.
Tiết kiệm pin với giao diện tối (Dark Mode)
Chế độ nền tối không chỉ giúp giảm ánh sáng xanh và tránh mỏi mắt khi sử dụng ban đêm, mà còn góp phần tiết kiệm pin – đặc biệt trên điện thoại dùng màn hình OLED. Khi kết hợp cùng hình nền màu đen, mức tiêu thụ năng lượng giảm đáng kể.
Giới hạn thời gian sử dụng để duy trì cân bằng
Nhiều ứng dụng ngày nay được thiết kế để thu hút người dùng tương tác liên tục. Để kiểm soát thói quen này, bạn có thể sử dụng các công cụ như Screen Time (trên iPhone) hay Digital Wellbeing (trên Android).
Những công cụ này giúp bạn theo dõi thời gian sử dụng thiết bị, thiết lập giới hạn cho từng ứng dụng và nhắc nhở khi vượt mức, từ đó giúp duy trì sự cân bằng trong cuộc sống số.
Tùy chỉnh thông báo để tránh phiền nhiễu
Thông báo liên tục có thể gây xao nhãng và ảnh hưởng đến công việc hay thời gian nghỉ ngơi. Việc tùy chỉnh thông báo cho từng ứng dụng theo nhu cầu cá nhân là cách hiệu quả để bạn chỉ nhận những gì thật sự cần thiết.
Ngoài chế độ Tập trung (Focus Mode) có sẵn trên iOS, bạn cũng có thể tự thiết lập từng thông báo trên Android hoặc iPhone để kiểm soát tốt hơn trải nghiệm sử dụng hàng ngày.
Theo VnExpress