Giới khoa học đề nghị tiếp tục khảo cổ Đàn Xã Tắc - VNExpress



Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội vừa lấy ý kiến các hội viên để đóng góp ý tưởng cho UBND Hà Nội về phương án xây dựng cầu vượt qua nút giao Ô Chợ Dừa, đi qua khu di tích Đàn Xã Tắc.


Theo giáo sư Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, phương án nút giao khác mức Ô Chợ Dừa là phù hợp với quy hoạch. Phương án xây dựng cầu vượt theo hướng vành đai 1 là hợp lý và có hiệu quả kinh tế xã hội và đáp ứng được yêu cầu bảo tồn Đàn Xã Tắc. Đây cũng là phương án đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chấp thuận.









Phối cảnh cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.
Phối cảnh cầu vượt qua Đàn Xã Tắc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để bảo vệ tốt hơn nữa khu vực di tích này, Hà Nội cần nghiên cứu thêm các biện pháp như tăng chiều dài của nhịp cầu vượt đi qua phía trên khu di tích và tổ chức khai quật khảo cổ bổ sung tại vị trí dự kiến xây dựng trụ cầu vượt mà có nghi ngờ nằm trong khu vực dự báo của di tích. Công việc này cần triển khai sớm và khẩn trương để không làm kéo dài thời gian xây dựng cầu vượt và nút giao thông.


Sau khi nhận được ý kiến đóng góp của các nhà khoa học Hà Nội, Chủ tịch thành phố Nguyễn Thế Thảo đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội nghiên cứu nội dung này và lựa chọn phương án tối ưu nhất nhằm đảm bảo quy hoạch, kiến trúc và bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc.


Trước đó, Hà Nội đã nghiên cứu phương án xây cầu vượt qua Đàn Xã Tắc dài 631 m, rộng 14,5 m với 4 làn xe. Cầu cách nhà dân 5 m và có tường chắn để giảm tiếng ồn. Hai trụ cầu cách nhau 62 m nằm bên ngoài khu vực bảo tồn Đàn Xã Tắc. Từ trên không, mép cầu vượt sẽ chờm vào khu vực thảm cỏ hiện đặt tảng đá dấu tích của Đàn Xã Tắc là 1,5 m.


Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cầu vượt có đường cong mềm mại, lệch phía bắc của tuyến (về phía đường Tôn Đức Thắng) có ưu điểm về kinh phí đầu tư xây dựng, ít ảnh hưởng đến di tích Đàn Xã Tắc và đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng ý. Phương án này còn hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng phạm vi nút và giảm thiểu ảnh hưởng đến nhà dân.


Tuy nhiên, phương án cầu vượt nhận được một số ý kiến không đồng tình của các nhà khảo cổ, sử học vì e ngại trụ cầu phá hỏng khu di tích Đàn Xã Tắc đã được khảo cổ và các hiện vật có thể còn lại song chưa khảo cổ.


Đoàn Loan






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn