Đau đầu với việc kiểm soát thiết bị điện tử của trẻ trong kỳ nghỉ hè

Mùa hè đến mang theo những ngày nghỉ dài và thời gian rảnh rỗi không giới hạn cho trẻ em. Đây cũng là lúc nhiều bậc cha mẹ đau đầu với việc kiểm soát việc sử dụng smartphone và TV của con mình. Trong thời đại kỹ thuật số, việc trẻ em tiếp xúc với các thiết bị điện tử là không thể tránh khỏi, nhưng làm sao để quản lý thời gian sử dụng một cách hợp lý, đảm bảo sức khỏe và phát triển toàn diện cho trẻ là một thách thức không nhỏ.

Chị Nguyễn Hà Anh, quận Đống Đa (Hà Nội) có con trai đang học lớp 3 cho biết, dịp hè này vợ chồng chị vẫn bận rộn đi làm, không có thời gian sát sao tới con. Gia đình không muốn thuê người giúp việc nên đã đưa con sang ông bà, chiều đón về. Tuy nhiên, ông bà ở nhà chiều cháu nên thường cho dùng Ipad cả ngày, không kiểm soát được những nội dung độc hại con tiếp cận trên mạng xã hội.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, chị Hà Anh đã họp gia đình để thống nhất quy tắc chỉ được phép sử dụng Ipad 30 phút/1 ngày khi có bố mẹ ở nhà, đồng thời bố mẹ thay nhau kiểm soát và chỉ dẫn cho con những nội dung xem trên mạng, lý giải nội dung nào xấu cần phải tránh.

“Buổi sáng hay buổi trưa vừa thức dậy là con đã quen với việc lên phòng khách, tự bấm tivi mở hoạt hình xem. Tôi có nhắc cháu nhiều lần, thậm chí là la mắng nhưng cũng không ăn thua. Cháu còn nói là chơi đồ chơi một mình buồn quá nên mới xin xem tivi” - chị Hà Phương, một phụ huynh có con đang tuổi đi học mẫu giáo tại TP.Đà Nẵng, cho hay.

Trên một số hội nhóm mạng xã hội, nhiều ông bố, bà mẹ than phiền cảm thấy lo lắng nhiều hơn khi con không đến trường. "Con trai tôi có thể chơi game quên ăn trưa nếu không nhắc nhở", người dùng Vo Thinh bình luận. Một người khác kể cô con gái lớp 10 có thể "lướt mạng xã hội video ngắn cả ngày không chán".

Theo ông Ngô Tuấn Anh, CEO công ty an ninh mạng SCS kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC), dữ liệu của công ty cho thấy thời lượng truy cập Internet của các gia đình tại Việt Nam đang tăng lên đáng kể khi bắt đầu kỳ nghỉ hè, chủ yếu truy cập mạng xã hội, chơi game và xem video trực tuyến.

Trong khi đó, Lê Hoàng Minh, kỹ thuật viên phần mềm tại một hệ thống điện thoại lớn, cho biết những ngày qua, nhiều khách hàng đến nhờ cài đặt phần mềm để quản lý thời gian sử dụng thiết bị của con trong kỳ nghỉ hè. "Ngày nay, các bậc phụ huynh cho con sử dụng điện thoại khá sớm, hầu hết đều muốn tìm cách kiểm soát thay vì cấm hoàn toàn do bạn bè cùng trang lứa đều dùng," anh chia sẻ.

Trao đổi với PV Tạp chí Trẻ em Việt Nam, PGS.TS. Trần Thành Nam, giảng viên Trường đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam nhận định, nguyên nhân của việc trẻ sử dụng các thiết bị công nghệ sớm là cha mẹ thường không có thời gian trông coi trẻ nên thường “tạch lưỡi” đưa cho con thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng,... và coi đây như một “thiết bị trông trẻ”.

Trong khi đó, phụ huynh lại không dạy cho con những kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng, vô tình đẩy trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: bị lộ thông tin cá nhân, đối mặt với tin giả, tin xấu độc, bị lôi kéo bởi các tệ nạn xã hội​​, bị lừa đảo, bị bắt nạt trực tuyến…

PGS.TS. Trần Thành Nam khẳng định, thế giới số là môi trường giúp con người có thể học tập và sinh sống tốt hơn, tuy nhiên trẻ có thể đối diện nhiều với nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị quấy rối tình dục qua mạng xã hội,... Do đó, cha mẹ cần tìm hiểu và tự nâng cấp kỹ năng an toàn cho chính mình trước thời đại số hiện nay. Khi cha mẹ có kiến thức, kỹ năng đầy đủ sẽ giúp con nhận diện và có cách ứng phó phù hợp khi là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến trên mạng xã hội.


Sưu tầm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn