Nokia, nhà sản xuất ĐTDĐ lớn thứ hai thế giới tính về doanh số, đang lâm vào giai đoạn khó khăn đến nỗi có nhiều tin đồn nổi lên rằng hãng sẽ bị bán cho các đối thủ cạnh tranh hoặc các đối tác "với mức giá rẻ như bán phế liệu".
Những công ty được đồn đoán sẽ mua lại Nokia bao gồm Lenovo, Huawei và Microsoft. Có vẻ như Nokia khó tránh khỏi số phận đó, vì hai trong số 4 mảng kinh doanh chính của công ty đang bị đe doạ nghiêm trọng. Sau đây là các vấn đề của hãng:
1. Nokia đã trở thành hãng smartphone số 1 ứng dụng hệ điều hành Windows Phone, nhưng sự kết hợp này của Nokia với Microsoft dường như không thành công. Thị phần của Windows Phone 8, phiên bản đang chạy trên các máy Nokia, vẫn thấp hơn Windows Phone 7 – một hệ điều hành hoàn toàn khác biệt và được xem là yếu hơn Windows Phone 8. CEO Huawei đã công khai chê Windows Phone là "yếu".
2. Các mẫu smartphone "giả vờ" của Nokia dành cho các nước đang phát triển (như mẫu Asha) vẫn không hút khách bằng các đối thủ Android. Tại Ấn Độ, thị phần của hệ điều hành Symbian của Nokia chạy trong các smartphone cấp thấp là 17,4% so với 56,4% của Android chỉ cách đây 6 tháng và kể từ đó Android đã có mặt trên hầu hết các smartphone mới bán ra tại Ấn Độ.
3. Nokia vẫn đang bán hàng tấn điện thoại phổ thông nhưng tỷ suất lợi nhuận của những mẫu điện thoại này rất thấp. Theo tính toán, Nokia chỉ thu về tỷ suất lợi nhuận chưa đến 5 USD cho mỗi mẫu điện thoại 20 USD được bán ra.
4. Vụ thâu tóm Siemens gần đây trong liên doanh Nokia Siemens Network (NSN), có thể là một điểm sáng với Nokia. Nhưng mức giá 2,2 tỷ USD của NSN cũng cho thấy công ty chưa mấy thành đạt.
Theo trang Quartz, sự lựa chọn của Nokia hiện nay rất rõ ràng: bán đứt mảng kinh doanh điện thoại phổ thông và/hoặc smartphone và trở thành một công ty mới, hay … bán đứt hoàn toàn cả công ty?
Trừ khi người tiêu dùng bỗng nhiên trở nên "phát cuồng" với Windows Phone, thì chiến lược thu hút khách hàng đang dùng các mẫu điện thoại giá rẻ nâng cấp lên smartphone Windows Phone tại các thị trường mới nổi của Nokia có mới ý nghĩa. Nếu không, mọi thứ đều không mang lại kết quả, vì hiện nay hầu hết tất cả nền tảng của Nokia, từ mẫu rẻ nhất đến mẫu đắt nhất, đều chạy các hệ điều hành khác nhau. Chúng không có gì liên quan đến nhau, từ nhãn hiệu Nokia. Nói cách khác, Nokia không có phương án B.
Theo Vnreview/Quartz