Lý giải khoa học về những ngôi nhà ma rùng rợn giữa lòng Hà Nội - Lao động

Lý giải khoa học về những ngôi nhà ma rùng rợn giữa lòng Hà NộiKhông ít người “sởn gáy” khi đi qua phố Khương Trung mới- nơi đồn có một ngôi nhà ma với những âm thanh lạ phát trong đêm...

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đưa ra những thông tin xung quanh những ngôi nhà “ma ám” ở ngõ Thuận Thành, Bạch Mai, trường hợp nhà bà Hòa ở ngõ Chùa Láng hay trường hợp của anh Tuấn, chị Liên ở 52 đường Lê Quang Đạo, Cầu Giấy... Nhưng nghiên cứu qua thực chứng khẳng định là có linh hồn.


Ông Hải cho biết: “Qua rất nhiều năm nghiên cứu về tâm linh, cá nhân tôi cho rằng có thế giới của linh hồn. Nhưng, tôi phải nhấn mạnh với bạn chữ này để bạn hiểu cho đúng vấn đề mà chúng ta đang nhắc đến nhé, không phải ai cũng có thể tiếp cận được với linh hồn như nằm mơ hay là bị ma ám, vì tỉ lệ đó rất thấp, thấp vô cùng. Bởi dù là người sống hay các linh hồn đều liên tục “phát sóng” và có những tần số nhất định. Đối với những người có khả năng đặc biệt thì tần số của họ hợp với những linh hồn của những người đã chết.


Mà để hiện tượng này xảy ra cần một điều kiện tiên quyết, đó là luân xa số 7 (một huyệt nằm trên đỉnh đầu con người) bị khai mở. Người bị như vậy thường dẫn đến sự ám ảnh và bất lợi cho sức khoẻ cũng như tâm lý của người đó. Hiện tượng này dân gian thường gọi là “sơn ăn từng mặt, ma bắt từng người”.


Còn như việc gia đình chị Lan ở ngõ Thuận Thành, Bạch Mai, Hà Nội, tôi có thể lý giải như sau: Khu đất đó là khu đất xấu. Tại sao tôi gọi là xấu, vì nó có nhiều khí âm. Bản thân nó trước là khu nghĩa địa của người Hoa, những người khác ở xung quanh thì không sao, nhưng riêng những người đến ở đó lại gặp tai ương, bởi vì mỗi ngôi nhà có phát ra một từ trường nhất định.


Nếu bạn có đồng hồ phong thủy, bạn sẽ nhìn thấy kim đồng hồ khi đo ở đó quay tít, không có phương hướng nhất định. Những từ trường ở khu đất đó quá mạnh nên khi ta nằm ngủ, ta bị nó tác động lên khiến con người có cảm giác như đang bay lên, và họ vội cho rằng ngôi nhà đó có ma và bị ma ám.


Còn chuyện đi “tè” lên mộ và bị đau bụng thì chuyện ấy khó lắm, nếu nói thế thì ngày còn bé, ở quê chúng tôi đi chăn trâu, cắt cỏ nhiều khi ngủ luôn trên mộ người chết, thế thì cũng bị quở phạt à? Từ xa xưa, ông cha ta luôn quy hoạch nghĩa địa phải cách xa làng, không phải các cụ sợ ma quỷ gì, mà là để tránh những âm khí của người chết làm ảnh hưởng đến người sống.


Trẻ con, người già, người bệnh không nên ở gần hoặc tiếp xúc với những nơi như thế, vì cơ thể họ đang yếu, lại gặp phải khí âm khiến cơ thể không chống chọi được. Mà khi khí dương trong người bị suy yếu, khí âm mạnh thì sẽ sinh ra mạch trầm, môi khô, mặt mày tái nhợt. Còn người sống mơ thấy người chết mà không phải người nhà mình thì cũng rất khó, trừ trường hợp hai bên có sóng từ rất hợp với nhau, như vậy mới có chuyện đó xảy ra.


Giữa hai thế giới vẫn còn xuất hiện nhiều tranh cãi, bản thân chúng tôi làm nghiên cứu cũng phải rất cẩn thận, vì chỉ một phát ngôn sai, mọi chuyện sẽ khác hẳn, và cái đó rất nguy hại cho đời sống của mọi người”…


Thiếu tướng, tiến sĩ Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm Bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người cho biết: “Khi con người ta chết đi, như thế không phải đã hết, mà là họ chuyển từ hoàn cảnh sống này (cõi dương) sang hoàn cảnh sống khác (cõi âm). Họ đang ở quanh ta, họ luôn hướng về ta, họ luôn giúp đỡ ta (ý nghĩ tâm linh) nếu ta nghĩ đến họ (con người với vong linh). Nếu quan niệm “thấy” tức là phải cân đong đo đếm... được thì linh hồn là cái không có thực.


Nhưng nghiên cứu qua thực chứng khẳng định là có linh hồn. Trong nhiều năm qua, Bộ môn Cận tâm lý đã đi khảo sát nhiều trường hợp: gọi hồn, hầu bóng, nơi áp vong... thì thấy vong hồn là có thật. Thông thường, mỗi người ở dương thế đều có vong linh người thân trong gia đình đi cùng, hoặc theo lý luận của vật lý hiện đại thì quan hệ âm - dương không bị ảnh hưởng bởi thời gian và không gian. Nói thế cũng không phải cổ vũ cho mê tín dị đoan, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc. Chẳng hạn như ngôi nhà ở ngõ Thuận Thành, Bạch Mai, Hà Nội, đã có ai đến đo từ trường chưa?


Các ngoại cảm nói gì về nó? Bởi nếu chỉ bảo nó có ma rồi đồn thổi thì không nên. Tôi đồng ý với ý kiến của anh Hải rằng, rất có thể đó là do từ trường của đất đó quá mạnh nên khi người dương đến ở gặp những chuyện ảo giác, khiến họ nghĩ là ma ám. Vậy đã có ai lục hỏi người chủ đầu tiên của căn nhà đó rằng họ sống ra sao, và vì sao họ lại chuyển đi? Khi tiếp cận đánh giá một vấn đề tâm linh cần phải kỹ càng, chuyện con anh Tuấn sau khi “tè” lên mộ, tối về bị đau bụng có thể có sự trùng hợp, không thể đổ lỗi cho chuyện đó được.


Còn tôi có thể khẳng định với bạn rằng về từ trường thì chắc chắn có chỗ tốt chỗ xấu, và tùy từng cơ địa của mỗi người mà chịu sự tác động của từ trường đó. Anh ở một khu đất trước kia là nghĩa địa không có nghĩa là xấu hoàn toàn, bởi cái đó còn phụ thuộc vào cách anh bày trí, sắp xếp đồ đạc trong nhà đó như thế nào. Hay anh chỉ nghe kể khu đó trước kia là nghĩa địa, rồi anh tự kỷ ám thị nên đâm ra sợ”.


Tiếp tục mang những thắc mắc tìm gặp Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Quân - người chuyên nghiên cứu về mảng tâm linh, ông khẳng định rằng: “Bằng những kinh nghiệm nghiên cứu của các đồng nghiệp và bản thân mình, tôi thấy thế giới linh hồn (trường năng lượng) có những nguyên tắc riêng, bất khả xâm phạm (nguyên tắc tình yêu, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc ngôi thứ, nguyên tắc đón nhận, nguyên tắc lứa đôi, nam nữ, nguyên tắc người kế thừa...).


Nếu như phạm vào mà không ổn định được thì cả trường năng lượng của cả dòng tộc sẽ bị rối loạn, dẫn đến việc ốm đau, bất thành hay bất hạnh. Như những gì mà tôi được biết thì thế giới của linh hồn trong sạch và thiện hơn nhiều lần cách nghĩ và hiểu của một số người về thế giới này. Phần lớn những hiện tượng gọi là bị 'ma' làm thì ban đầu đều xuất phát bởi những hành động vô thức. Nguyên nhân chính để cho những hành động vô thức này biểu hiện được bắt đầu từ việc 'gieo ám thị chìm' và 'khởi động ám thị chìm'. Còn tôi không tin vào những chuyện người âm ám người dương…”.


Theo Hôn nhân & Pháp luật






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn