Cầu thủ Hồng Sơn (hàng dưới thứ 4 từ trái sang)
Cho rằng cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn của đội U13 PVF có dấu hiệu gian lận tuổi, ngày 10/7/2013, ông Trần Quang Đạo, Trưởng Ban tổ chức (BTC) giải bóng đá U13 toàn quốc đã ký Quyết định loại hủy toàn bộ kết quả thi đấu của đội bóng này, loại các cầu thủ U13 PVF khỏi vòng bán kết đang diễn ra tại Nha Trang.
Sau khi Trưởng BTC Trần Quang Đạo ký Quyết định loại U13 PVF khỏi vòng bán kết, đại diện Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam đã đưa ra những phản ứng gay gắt. Theo lời ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc điều hành PVF: “Việc BTC chỉ dựa vào băng ghi âm lời nói của mẹ cầu thủ này để loại đội PVF là không thỏa đáng. Đó là chưa cần nói tới sự chính xác của việc xác nhận này thế nào”.
Hộ khẩu và hộ chiếu đều thể hiện Nguyễn Hồng Sơn sinh năm 2000
Cùng lúc, chị Hoàng Thị Tuyến - mẹ của cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn cũng lên tiếng xác nhận tuổi của cháu Sơn hoàn toàn đúng với giấy khai sinh, học bạ, hộ chiếu và các giấy tờ liên quan khác. Chị Tuyến cho rằng việc BTC giải căn cứ vào lời nói của chị để hủy bỏ những thành tích của đội bóng và của cháu Sơn là không chính xác và không khách quan.
Chị Tuyến trình bày, cách đây mấy hôm có một số điện thoại lạ của một phụ nữ gọi vào số máy của chị hỏi tên, ngày, tháng, năm sinh của cháu Sơn, người phụ nữ này biết rất rõ về tên, tuổi của Sơn và em trai rồi còn yêu cầu nếu em trai Sơn đá bóng tốt sẽ giúp đỡ đưa ra Hà Nội đào tạo. "Vì thấy người lạ gọi cho mình lại am hiểu tường tận về khả năng đá bóng của các con nên tui sợ có vấn đề gì làm ảnh hưởng đến cháu và đã nói rằng cháu Sơn sinh năm 1999, chứ thực sự cháu Sơn sinh ngày 24/10/2000, trong các loại giấy tờ như giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ chiếu và học bạ”.
Luật sư Trương Anh Tú
Để làm sáng tỏ vấn đề này, PV Dân trí đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về tính pháp lý của những chứng cứ BTC đưa ra để loại U13 VPF ngay trước giờ thi đấu vòng bán kết.
Luật sư Tú cho biết, về vấn đề này pháp luật chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn có thể nhận định rằng:
Thứ nhất, về việc xác định tuổi đời, cơ sở pháp lý đầu tiên để xác định tuổi của một ai đó chính là giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu…Đây là giấy tờ pháp lý được nhà nước công nhận, gắn liền với nhân thân của con người. Và chỉ trong trường hợp thiếu những giấy tờ này thì mới được xem xét từ các nguồn khác.
Thứ hai, việc BTC ra quyết định đình chỉ tham gia thi đấu của đội bóng U13 VPF là hết sức nóng vội và thiếu lý trí. BTC chỉ căn cứ vào lời khai của người mẹ mà xác định cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn gian lận tuổi tác là không thuyết phục, trong khi mọi giấy tờ pháp lý đều thể hiện cầu thủ này sinh năm 2000.
Hơn nữa, lời khai này chỉ mang tính chất tham khảo, không phải là chứng cứ trực tiếp và có giá trị pháp lý nên cần phải thu thập thêm những chứng cứ thuyết phục hơn. Ngay cả trong hình sự lời khai của bị can, bị cáo cũng không thể coi là chứng cứ buộc tội nếu không có chứng cứ khác chứng minh.
Ở tình huống này, nếu nghi ngờ BTC hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp giám định xương để xác định rõ ràng về tuổi đời. Tuy nhiên, BTC đã bỏ qua mà chỉ căn cứ vào lời khai của người mẹ trong lúc lúng túng để ra quyết định đình chỉ thi đấu của một đội bóng. Điều này cho thấy đấy là quyết định hết sức nóng vội, hàm hồ và thiếu cơ sở.
Từ sự nóng vội này đã mang đến nhiều hệ quả là sự thiệt hại cho đội bóng, sự ảnh hưởng đến niềm đam mê bóng đá của cá cầu thủ trẻ làm giảm thiểu tài năng. Từ những nhận định trên, tôi kiến nghị BTC giải cần xem xét lại toàn bộ sự việc một cách khách quan, đúng hướng, đảm bảo quyền lợi đúng đắn cho các đối bóng tham dự, đem lại sự công bằng cho đội bóng U13 PVF và cầu thủ Nguyễn Hồng Sơn.
Vũ Văn Tiến (ghi)