Xe tự hành chụp toàn cảnh sao Hỏa - Báo Khoa học


NASA đã công bố những hình ảnh chính thức đầu tiên do xe tự hành mang tên Curiosity chụp được, những bức ảnh đã thể hiện bề mặt sao Hỏa một cách chi tiết rõ ràng đến từng tinh thể.


Trong số này có tấm ảnh bề mặt xung quanh địa điểm mà Curiosity thu được những vốc cát bụi đầu tiên. Đó là một mảnh đất bị gió thổi bồi đắp gọi là “tổ đá” (Rock Nest) và mở rộng đến ngọn núi Sharp ở chân trời.


Xe tự hành chụp toàn cảnh sao Hỏa


Báo Daily Mail dẫn lời ông Bob Deen thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA: "Chúng ta có thể nhìn thấy toàn cảnh và từng chi tiết nhỏ nhất”.


Dự án thí nghiệm khoa học sao Hỏa của NASA đang sử dụng chiếc xe tự hành 6 bánh trị giá 2 tỉ bảng Anh có tên gọi Curiosity, cùng 10 dụng cụ khoa học để điều tra lịch sử môi trường ở khu vực núi lửa Gale, nơi phát hiện từng có những điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của vi khuẩn. Xe tự hành Curiosity đã đáp xuống sao Hỏa từ tháng 8 năm ngoái để làm nhiệm vụ trong vòng 2 năm. Hiện Curiosity sẽ tiếp tục phân tích các mẫu đất có chứa tất cả các thành phần cần thiết cho sự sống.


Các nhà khoa học đã xác định có khí sulphur, nitơ, hydro, oxy, phốt pho và carbon trong bột đá cặn mà Curiosity khoan được gần một lớp con suối cổ xưa ở khu vực vịnh Yellowknife trong núi lửa Gale. Họ tin rằng hàng tỉ năm trước, nước tuôn ra từ viền núi lửa và tạo thành các con suối có độ sâu tới gần 1m.


Daily Mail tóm tắt lời ông John Grotzinger - một nhà khoa học của dự án: “Chúng tôi đã tìm thấy môi trường sống ôn hòa và thuận lợi cho cuộc sống. Bạn có thể uống được nguồn nước này”. Michael Meyer, nhà khoa học chỉ huy chương trình khám phá sao Hỏa của NASA tại trụ sở ở Washington cho biết thêm: "Một câu hỏi cơ bản cho nhiệm vụ này là liệu sao Hỏa có là một môi trường sống thuận lợi không. Và từ những điều chúng ta biết được, câu trả lời là có”.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn