Muốn làm khoa học phải... chung chi - Lao động


Cuộc hội thảo góp ý Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ tại TPHCM vừa qua đã trở thành cuộc “tố khổ” của các nhà khoa học (KH). Song song đó, những điều nhức nhối nhất của công tác nghiên cứu khoa học cũng đã được phơi bày trần trụi.











Ông Nguyễn Phương Vỹ hé lộ một chi tiết ẩn dụ rằng, cái toalét tại mấy cơ quan nhà nước đều biết chuyện vì các nhà KH phải vào đó kiểm đếm phong bì để chung chi.



Ít ai ngờ rằng, muốn được làm KH lại phải chung chi nhiều đến vậy. Ông Nguyễn Phương Vỹ - Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông thôn VN -cho biết: “Muốn làm đề tài thì phải có gì đó cho cái anh đưa mình vào cái ô được xét, rồi hội đồng xét vì nếu không có họ đánh rớt thì sao. Khi được tuyển chọn rồi lại đến bên tài chính. Ôi giời giải ngân nhiêu khê lắm…”. Chuyện các nhà KH để nhận được đề tài và triển khai nghiên cứu suôn sẻ phải chung chi nhiều thứ, ngoài xã hội ít biết nhưng trong giới thì ai cũng đều tỏ. “Số tiền phải chung chi thường chiếm bao nhiêu phần trăm trên tổng kinh phí cấp cho đề tài” - tôi hỏi. Ông Vỹ: “Cũng còn tùy”. Tuy nhiên, một đại biểu khác tham dự hội thảo, tiết lộ: “Thường chiếm từ 20%-30%”.

GS Lê Minh Triết (Hội vật lí TPHCM) thổ lộ, những năm gần đây ông nhất định không nhận làm chủ nhiệm đề tài nào nữa vì quá mệt mỏi với những thủ tục thanh quyết toán. Theo một đại biểu, lí do các nhà KH trẻ muốn GS Triết làm chủ nhiệm đề tài là để cho các cán bộ, nhân viên những cơ quan chức năng liên quan (khoa học công nghệ, tài chính…) không dám vòi vĩnh. Thế nhưng cũng theo đại biểu này: “Họ không vòi giáo sư Triết nhưng họ vòi mấy đứa tư vấn chạy thủ tục hồ sơ”.


Ông Nguyễn Phương Vỹ hé lộ một chi tiết ẩn dụ rằng, cái toalét tại mấy cơ quan nhà nước đều biết chuyện vì các nhà KH phải vào đó kiểm đếm phong bì để chung chi. PGS-TS Trần Trịnh Tường - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hợp tác KHKT Châu Á - TBD - xác nhận lại: “Chuyện vào toalét đếm phong bì là có hết. Mình không làm nhưng quân mình nó làm”.


Trước những vấn đề ông Nguyễn Phương Vỹ và PGS-TS.Trần Trịnh Tường nêu ra, trên bàn chủ tọa PGS-TS Đoàn Năng không có bình luận gì. Tuy nhiên, những lời nói ôn tồn của GS-TS.Nguyễn Văn Luật (Hội Khoa học phát triển nông thôn VN) mới thực sự đắng chát: “Làm KH là phải chân thật, phải đúng, thế mà lại không thật, phải làm cái giả dối để nghiên cứu KH, nếu không làm thế thì không làm KH được”.


Chung qui cũng vì cơ chế quản lí tài chính quá nhiều thủ tục nhiêu khê và bất hợp lí mà các nhà KH nếu không lách không luồn thì không thể nào nghiệm thu được công trình. Chi tiết được nhiều nhà KH xác nhận: Hội thảo thực tế chỉ diễn ra một ngày nhưng phải lập kế hoạch lên ba ngày thì kinh phí được cấp mới đủ chi cho một ngày. GS.Luật cho biết, từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước tại miền Bắc, cũng đã diễn ra tình trạng phải kê khai thêm từng cây tre hay từng ngày công.v.v…thì mới đủ bù chi. Chính vì thế, các đại biểu cho rằng Dự thảo luật cần nâng mức đầu tư cho KH phải hơn 2% ngân sách quốc gia chứ không nên ở mức “ít nhất 2%”. Tuy nhiên, TS.Đoàn Năng cho rằng mức như thế là phù hợp với hoàn cảnh kinh tế đất nước.


PGS-TS.Trần Trịnh Tường cho rằng, cơ chế quản lí kinh phí nghiên cứu KH nên theo phương thức khoán trọn gói. “Các nước tiên tiến đều làm vậy cả. Chỉ nên quản lí kĩ về chất lượng sản phẩm hay kết quả nghiên cứu, nếu không đạt thì sẽ bị trừ vào chi phí”. Theo GS.Luật, thực tế ở nhiều đề tài nghiên cứu chủ nhiệm đề tài phải có người giúp việc chuyên làm các thủ tục thanh quyết toán. “Nếu cứ thế thì thành thợ nghiên cứu KH mất chứ không còn là nhà nghiên cứu KH nữa”, ông thốt lên. Phản hồi ý kiến này TS.Đoàn Năng cho rằng sẽ tiếp thu và đưa vào dự thảo, có thể chọn lựa phương thức khoán trọn gói hoặc khoán một phần.








- TS.Nguyễn Anh Tuấn-Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành-đưa ra hai kiến nghị: Thứ nhất là thành lập quĩ đầu tư phát triển KHCN có tính chất của một quĩ đầu tư mạo hiểm và nhà nước đóng góp một phần vào quĩ. Quĩ này sẽ đầu tư vào các đề tài nghiên cứu và khi thương mại hóa thì thoái vốn, thay vì cứ tài trợ, hỗ trợ 30% kinh phí như hiện nay song có nhiều đề tài bị xếp xó gây lãng phí. Thứ hai là miễn thuế thu nhập cá nhân cho những người làm nghiên cứu KH để khuyến khích họ.

- TS.Dương Hoa Xô-GĐ Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM-phản ánh thực trạng: “Cứ 10 đề tài thì có đến 9 đề tài giao cho phía bắc, trong khi phía nam không có đề tài nào cả. Bộ Khoa học và Công nghệ phải điều phối kinh phí khách quan hơn. Nghị định 115 về tự chủ trong nghiên cứu khoa học hiện cho thấy sự nửa vời: Nhân viên biên chế láo nháo mà giám đốc không được đuổi; đi công tác nước ngoài trước đây chỉ phải xin cơ quan chủ quản thì giờ phải thông qua thêm tới 3-4 sở, ngành…”.







Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn