Nhà mạng loay hoay với gói cước 3G


- Nhu cầu sử dụng 3G tại VN trong 3 năm qua đã tăng vọt một cách bất ngờ, nhưng nó cũng đặt ra nhiều bài toán hóc búa về mạng lưới, băng thông và mô hình tính cước cho các nhà mạng.


3G "bùng nổ"











3G, Việt Nam, Bộ TT&TT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Qualcomm, Huawei, Nielsen
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Trọng Cầm

Báo cáo "Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM" vừa được Nielsen công bố sáng nay tiết lộ, tỷ lệ người dùng 3G trong năm 2012 đã tăng xấp xỉ 5 lần so với năm 2011, đạt 20 triệu thuê bao.


Chia sẻ tại Tọa đàm "Xu hướng phát triển 3G tại VN" diễn ra ngay sau lễ công bố Báo cáo, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam cũng khẳng định, tốc độ phổ cập của 3G đang ở mức rất cao. Cụ thể, từ nay đến năm 2016, tỷ lệ tăng trưởng thuê bao 3G sẽ lên tới 226% và riêng ở khu vực ASEAN sẽ có gần nửa tỷ người dùng 3G. Trên quy mô toàn cầu sẽ có khoảng 4 tỷ người dùng 3G, với một triệu thuê bao 3G mới hòa mạng mỗi ngày.


Sự bùng nổ của 3G đương nhiên sẽ kéo theo sự bùng nổ của dữ liệu di động. Các số liệu thống kê cho thấy, không chỉ tăng mạnh về số lượng thuê bao mà khối lượng dữ liệu tại Việt Nam trong năm 2012 cũng tăng 5 lần so với năm ngoái. Nếu như năm 2011, người dùng chỉ mới sử dụng khoảng 20-30% công suất các trạm BTS 3G do các nhà mạng triển khai, thì năm 2012, tỷ lệ này đã tăng lên tới 40-50%, ông Nam cho hay.


Lý giải cho sự tăng trưởng nhanh chóng của 3G trong vòng hai năm trở lại đây, ông Nam cho rằng chi phí kết nối rẻ đi, giá smartphone/tablet đang ở mức tiếp cận được với số đông người dùng đã khiến cho tỷ lệ chuyển từ feature phone sang smartphone tăng mạnh, thậm chí là thuộc loại "cao nhất trong khu vực".


Đồng tình với nhận định này, ông Tenny Sum, chuyên gia cấp cao của Huawei tâm sự rằng 3 năm trước, 3G chỉ mới xuất hiện hạn chế ở VN nhưng hiện tại, mức độ phổ cập của công nghệ này là "rất đáng kể". Tuy vậy, ông này khẳng định VN vẫn chỉ mới đang trong giai đoạn đầu tiên của phát triển 3G và còn rất nhiều tiềm năng để các nhà mạng khai thác trong thời gian tới.


Nhà mạng mướt mồ hôi


Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định VN đã triển khai 3G thành công và chọn được thời điểm triển khai phù hợp, khi thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới đều rẻ, sự ứng dụng trên thế giới tương đối rộng rãi. Bên cạnh đó, hình thức thi tuyển - cấp phép cho doanh nghiệp cung cấp 3G mà VN áp dụng cũng giúp chúng ta có được một hạ tầng 3G hiện đại, rộng khắp bậc nhất trong khu vực (44.000 trạm BTS tính tới thời điểm này).


Mặc dù vậy, việc bùng nổ về số lượng người dùng khiến cho công suất mạng chưa bắt kịp, dẫn tới tình trạng nhà mạng có đầu tư cải tiến chất lượng mạng nhưng người dùng vẫn cảm thấy chưa hài lòng. Điều này thể hiện ở kết quả của cuộc khảo sát của Nielsen. Theo đó, tuy người dùng ghi nhận diện tích phủ sóng đã được cải thiện rộng hơn, nhưng lại đánh giá chất lượng dịch vụ thấp đi.


Về vấn đề này, Thứ trưởng cho rằng hạ tầng không dây đơn thuần sẽ không thể giải quyết được bài toán quá tải băng thông, khi các ứng dụng chiếm nhiều băng thông như video được sử dụng ngày càng nhiều, đẩy chi phí doanh nghiệp tăng lên. "Giá thành 1 byte thông tin tăng mà doanh thu thu về lại hạn chế. Rõ ràng, nhà mạng cần những giải pháp để tối ưu hóa băng thông".


Ông Thiều Phương Nam thì cho rằng, các nhà mạng VN cần chuẩn bị tinh thần đối phó với nguy cơ bùng nổ dữ liệu di động ngay từ bây giờ." Khi công suất mạng 3G hiện tại được khai thác tới ngưỡng 70-80% thì các doanh nghiệp viễn thông cần bắt đầu cân nhắc tới những giải pháp hậu 3G như small cells, nếu không muốn mạng lưới rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần chuẩn bị về mặt chính sách như dành ra nhiều băng thông hơn cho 3G/4G, xây dựng những giải pháp để tối ưu hóa băng tần sử dụng..., vị đại diện Qualcomm đề xuất.


Cần nhiều gói cước mới!


"Người dùng mong muốn gì nhất ở dịch vụ 3G? Có thể nói luôn là chất lượng mạng, gói cước đa dạng và các chương trình khuyến mại", chuyên gia Terry Sum của Huawei nêu rõ. Vấn đề của các nhà mạng VN hiện nay là mới chỉ áp dụng phổ biến hai loại hình cước là gói cước không giới hạn và gói cước theo mức sử dụng. "Cái mà chúng ta thiếu là những gói cước tạo ra giá trị". Vậy thế nào là gói cước tạo ra giá trị.


Ông Sum đã nêu ra ví dụ tại Thái Lan, khi các nhà mạng xây dựng hàng loạt mô hình gói cước đa dạng, thỏa mãn rất nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau của khách hàng. Có thể kể ra iTalk dành cho những người đàm thoại nhiều, chat nhiều trên mạng, iNet dành riêng cho người dùng iPad/máy tính bảng vốn có đòi hỏi cao về băng thông và dung lượng dữ liệu, iSmart cho nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại thông thường và Internet không hạn chế....


"Xu hướng chung của các nhà mạng quốc tế hiện nay là doanh thu đến từ dữ liệu chứ không phải cuộc gọi. Việt Nam cần vài năm nữa để có thể đạt được hướng đi đó", ông Sum nhận định. Trong đó, việc xây dựng được mô hình giá đúng chính là chìa khóa thành công.


Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách đối với 3G của các nhà mạng VN hiện nay lại không hề dễ dàng, theo quan điểm của ông Vaughan Ryan, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam. Chia sẻ bên lề Tọa đàm, ông cho rằng các nhà mạng khó lòng thay đổi chiến lược 3G trong 1-2 năm tới mà cần tối thiểu 4 năm để khảo sát nhu cầu khách hàng, xây dựng hạ tầng đáp ứng hay các mô hình kinh doanh phù hợp.


Cần lộ trình phù hợp cho 4G


Nhận định về xu hướng phát triển của 3G tại VN trong 5 năm tới, Thứ trưởng Thắng tin rằng dữ liệu sẽ vượt và dần thay thế thoại để trở thành nguồn thu chính của nhà mạng. Cùng lúc, smartphone sẽ thay thế feature phone tại các đôi thị, đẩy điện thoại thông thường về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa....


Để tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, bền vững, chính sách của Bộ TT&TT là tiếp tục đẩy nhanh việc tái cơ cấu thị trường nói chung và các doanh nghiệp di động nói riêng, theo hướng thị trường chỉ còn lại 3-4 Tập đoàn, Tổng công ty lớn, kinh doanh đa dịch vụ - trong đó dịch vụ di động là dịch vụ cốt lõi. "Nếu chỉ có 1-2 doanh nghiệp thì không đảm bảo cạnh tranh, nhưng quá nhiều DN thì sẽ dẫn tới đầu tư quá mức, chồng chéo, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh", khi mà quy mô thị trường chỉ có vậy.


Về công nghệ, Thứ trưởng khẳng định chắc chắn Bộ sẽ triển khai 4G nhưng cần một lộ trình phù hợp, nhất là về thời điểm. Trên thực tế, các nhà mạng VN chỉ mới triển khai 3G được 3 năm và vẫn cần có thời gian để thu hồi hiệu quả đầu tư. "Do đó, sau năm 2015, Bộ mới xem xét cấp phép 4G dựa trên cơ sở đấu giá thi tuyển như với 3G. Lúc này các thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G cũng chưa nhiều, giá thành còn đắt. Nếu cứ cố triển khai lúc này thì quá tốn kém, chưa phù hợp với thu nhập của số đông người dân", Thứ trưởng chia sẻ.


Đối với tài nguyên tần số, Bộ đã ban hành quy hoạch cho các băng tần di động và cũng đã xây dựng băng tần dành riêng cho tương lai. Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai số hóa truyền hình mặt đất trên phạm vi toàn quốc để giải phóng băng tần 700 cho các công nghệ di động.


Trọng Cầm


97% người dùng VN truy cập 3G tại... nhà


Cuộc đua 3G, mạng nhỏ lo “sập bẫy”


3G ngược dòng khủng hoảng


Cuộc đua 3G “tẹt ga” nóng trở lại


Những giai thoại cười ra nước mắt thời triển khai...3G


Người Việt Nam dùng 3G sướng nhất thế giới


So gói cước 3G của các “đại gia” di động


Việt Nam đã có 12,8 triệu thuê bao 3G


Sau 2 năm, 3G Việt Nam vẫn “khởi động”?


Cuối năm, các đại gia di động “bung” khuyến mãi 3G



3G, Việt Nam, Bộ TT&TT, Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Qualcomm, Huawei, Nielsen





Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn