Kết quả khảo sát cho thấy, người dùng chưa hài lòng với tốc độ đường truyền 3G trong năm 2012, nhưng nhà mạng khẳng định "không có chuyện chất lượng đi xuống".
Nhà mạng khẳng định chất lượng 3G không giảm mà do nhu cầu và đòi hỏi người dùng ngày càng cao? |
Cuộc khảo sát "Mức độ hài lòng của người dùng 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM năm 2012" do Nielsen công bố sáng 9/5 cho thấy, chỉ số hài lòng của khách hàng đối với chất lượng dịch vụ 3G nói chung giảm nhẹ từ 71/100 điểm xuống còn 64/100 điểm. Và tuy họ đã hài lòng hơn về độ rộng của vùng phủ sóng (84/100 điểm) nhưng lại không thỏa mãn với tốc độ đường truyền.
Cụ thể, chỉ có 55% người dùng cảm thấy hài lòng về tốc độ đường truyền mà mình sử dụng trong năm 2012 (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 64% của năm 2011). Đặc biệt, có tới 26% người dùng không hài lòng và 19% người dùng rất không hài lòng về tốc độ đường truyền.
Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng chất lượng dịch vụ 3G tại VN đang đi xuống, dù chỉ mới triển khai được 3 năm (từ năm 2009)?
Ông Hồ Đức Thắng - Phó Giám đốc Vinaphone khẳng định, "không hề có chuyện chất lượng đi xuống". Theo lý giải của đại diện VinaPhone thì do nhu cầu sử dụng của người dùng tăng lên, mạng này đã phải có những "căn chỉnh" để phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của mạng lưới, ưu tiên những điểm có nhu cầu sử dụng lớn như các thành phố. "Trong lúc căn chỉnh sẽ có những thời điểm dịch vụ không đáp ứng được yêu cầu của người dùng", ông Thắng trần tình. Hơn nữa, ông cũng nêu giả thiết về việc nhiều người không hài lòng với tốc độ đường truyền 3G là vì nhu cầu của họ ngày càng cao, không chỉ đơn thuần là những nội dung văn bản mà ngày càng xem nhiều video hay chơi nhiều game đòi hỏi băng thông lớn.
Tuy nhiên, VinaPhone cam kết "sẽ làm hết sức để đảm bảo chất lượng dịch vụ 3G" trong thời gian tới.
Sẽ đo kiểm chất lượng thường xuyên
Đại diện của Viettel, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Dũng cũng đồng tình rằng, khi số lượng người dùng 3G tăng gấp 5 lần và công nghệ này ngày càng phổ biến thì trải nghiệm của người dùng cũng đòi hỏi cao hơn. Rất nhiều khiếm khuyết của mạng lưới trước đây giờ mới "phát lộ", chứ không phải bây giờ mới có. "Nhiều cái trước đây được cho là bình thường thì giờ không còn bình thường nữa", ông Dũng giải thích. Chẳng hạn như vài năm trước, người dùng sẵn sàng vào Wap để tiết kiệm băng thông, nhưng giờ thì họ không chỉ lướt trình duyệt có ảnh mà còn xem video, còn streaming...
Theo đại diện của Viettel thì thách thức này là chung của tất cả các nhà mạng trên thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam, song ông khẳng định, 3G là lĩnh vực tất yếu của kinh doanh di động và mục tiêu của mạng này là tất cả các thuê bao di động đều sẽ dịch chuyển sang 3G trong thời gian tới.
Từ góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, khi cấp phép 3G, Bộ đã đưa ra những yêu cầu tối thiểu (gọi là yêu cầu "sàn" cho các doanh nghiệp) như trong vòng 3 năm, các mạng phải phủ sóng được 63 tỉnh thành và đạt tốc độ 284kb/giây ở nông thôn, 384 kb/giây ở thành thị.
Kết quả kiểm tra của Cục cho thấy tất cả các doanh nghiệp đều "đáp ứng được cam kết này". Bộ TT&TT cũng đã ban hành Thông tư quy định về chất lượng cung cấp dịch vụ 3G và trong thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ phối hợp các nhà mạng tiến hành đo kiểm chất lượng thường xuyên. Kết quả đo kiểm có thể sẽ được công bố công khai để người dùng nắm được chất lượng dịch vụ mà các nhà mạng đang cung cấp.
Trọng Cầm
97% người dùng VN truy cập 3G tại... nhà