Một cửa hàng dế mèn tại Thái Lan. Ảnh: Flickr. |
Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), cơ quan công bố báo cáo, khẳng định rằng ăn côn trùng là cách để con người tăng cường dinh dưỡng và giảm ô nhiễm môi trường.
"Hơn hai tỷ người trên thế giới đang bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn côn trùng trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, cảm giác ghê tởm côn trùng của người dân các nước phương Tây vẫn là một rào cản đối với nỗ lực biến côn trùng thành thực phẩm", báo cáo tiết lộ.
Báo cáo nhắc lại rằng côn trùng là loại thức ăn giàu dinh dưỡng do chứa nhiều protein, chất béo và chất khoáng. Nhộng ong, bọ xít, nhộng tằm, châu chấu, dế mèn, cà cuống, bọ cạp và nhiều loài côn trùng khác là thực phẩm khá phổ biến tại các đang phát triển. Chúng là nguồn thực phẩm bổ sung cực kỳ quan trọng đối với trẻ suy dinh dưỡng.
Theo FAO, nuôi côn trùng trong trang trại là một trong những cách để con người chống nạn đói.
“Côn trùng sống khắp nơi. Chúng sinh sản nhanh và tăng trưởng cũng nhanh”, báo cáo lập luận.
Côn trùng cũng là những con vật “cực kỳ hiệu quả” trong việc biến thực phẩm thành thịt. Chẳng hạn, để tạo ra một lượng protein như nhau, một con bò sẽ cần khoảng thời gian gấp 12 lần so với một con dế. Phần lớn côn trùng thải ra ít khí thải nhà kính hơn so với gia súc.
FAO nhận định rằng, ngành công nghiệp thực phẩm có thể góp phần vào việc nâng cao vị thế của côn trùng bằng cách đưa chúng vào các công thức chế biến món ăn và thực đơn nhà hàng.
“Ở nhiều nơi, một số loài côn trùng là đặc sản. Chẳng hạn, người dân ở phía nam châu Phi coi một số loài sâu là thực phẩm hảo hạng và họ phải chi rất nhiều tiền để mua chúng”, báo cáo nhấn mạnh.
Báo cáo kêu gọi các nước thay đổi luật và cách thức sản xuất để người dân thường xuyên sử dụng côn trùng làm thực phẩm. “Việc ăn côn trùng trên quy mô lớn là một thói quen bền vững về mặt kỹ thuật. Những công ty hàng đầu trên thế giới đang đi tiên phong trong xu hướng này”, báo cáo kết luận.
Minh Long
Nguồn : VNExpress