Các nhà khoa học Nga nghiên cứu thủ thuật y học cổ đại - Tiếng nói nước Nga


Các nhà nhân chủng học Nga có bằng chứng mới về việc, trong thời cổ đại trên lãnh thổ Tây Siberia đã thực hiện những ca phẫu thuật thần kinh phức tạp. Họ đã nghiên cứu di cốt trong ngôi mộ từ thế kỷ IV-XIII, và đi đến kết luận rằng, chủ nhân ngôi mộ đã từng được phẫu thuật thần kinh phức tạp – thủ thuật khoan xương sọ. Các nhà khoa học đã chẩn bệnh của người đó và xác định những bước đi của các thầy thuốc thời xưa.


Ở vùng Ngoại Ural gần như trên ranh giới giữa châu Âu và châu Á, các nhà nhân chủng học đã phát hiện ra bằng chứng mới về các ca phẫu thuật thần kinh thời Trung cổ. Các nhà khoa học từ Viện nghiên cứu các vấn đề chinh phục phương Bắc tại thành phố Tyumen (vùng Siberia) đã phát hiện dấu vết của thủ thuật khoan xương sọ trong di cốt cậu bé 8-10 tuổi bị chôn vùi trong một đồi mộ cổ. Họ đã chẩn đoán rằng, đứa trẻ bị bệnh craniostenosis: hiện tượng các mảnh xương sọ cố định quá sớm và gây biến dạng đầu. Bệnh này hạn chế sự trưởng thành của hộp sọ. Có nghĩa là, não bộ của đứa trẻ chịu áp lực rất lớn.


Phù thủy “shaman” hoặc thầy thuốc đã sử dụng thủ thuật khoan xương sọ để giúp cho đứa trẻ. Nhà nghiên cứu Olga Poshekhonova giải thích thêm rằng, người bị bệnh craniostenosis đau đầu khó chịu, bị rối loạn tâm thần, suy giảm thị lực và có những cơn co giật. Cả hiện nay, các bác sĩ đôi khi cũng dùng cách khoan xương sọ để chữa bệnh này. Tức là, dưới góc nhìn của y học hiện đại, ca phẫu thuật của các pháp sư – thầy thuốc cổ xưa là đúng đắn và cần thiết.


Các thầy thuốc cổ xưa đã thực hiện ca mổ rất khéo léo. Dưới kính hiển vi, các nhà nhân chủng học đã nhìn thấy dấu vết của dụng cụ y tế - mũi dao nhọn làm bằng sắt. Các pháp sư đã khoét một lỗ gọn gàng hình bầu dục trên xương đỉnh sọ. Làm như vậy, vỏ não không bị thương tổn.


Chắc là, sau khi loại bỏ miếng xương, các thầy thuốc cổ đại đã đặt một miếng da nhỏ trên vếṭ mổ và dùng băng cầm máu. Nhưng, đáng tiếc là không cứu được bệnh nhi – có lẽ đứa trẻ đã tử vong ngay sau ca mổ.


Tuy nhiên, các nỗ lực điều trị bằng phẫu thuật thần kinh cho thấy kiến thức y tế sâu sắc của các thầy thuốc Siberia thời cổ đại. Khó có thể thực hiện ca phẫu thuật như vậy nếu không có kiến thức về giải phẫu, phương pháp cầm máu. Rõ ràng, các thầy tuốc đã thành thạo thủ thuật khoan xương sọ. Bằng chứng về điều đó là các dụng cụ y tế đặc biệt.


Bây giờ các nhà khoa học Tyumen cố gắng tìm hiểu xuất xứ của thủ thuật độc đáo. Có lẽ, phương pháp này đã du nhập từ Trung Quốc cổ đại, nơi thủ thuật khoan xương sọ đôi khi được sử dụng để "xua đuổi" ma quỷ. Các nhà sư Tây Tạng đã sử dụng thủ thuật này khi cố gắng khai mở "luân xa thứ ba". Cũng có thể là, các thầy thuốc Siberia cổ đã tự mình tạo ra thủ thuật khoan hộp sọ và đã sử dụng cách làm này cho mục đích y tế để giảm nhẹ tình trạng đau đớn của bệnh nhân. Phương pháp tương tự đã phát triển đồng thời ở châu Phi và Mỹ Latinh.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn