Hóa thạch sọ khỉ 6 triệu năm tuổi tại Trung Quốc - Báo Khoa học


Các nhà khoa học Trung Quốc vừa khôi phục thành công một hộp sọ hóa thạch khỉ cổ từ cách đây 6 triệu năm.


Xinhua đưa tin, hộp sọ hóa thạch có niên đại 6 triệu năm tuổi của một con vượn trưởng thành được phát hiện tại một nhà máy gạch ở tỉnh Vân Nam, miền tây nam Trung Quốc. Các nhà sinh vật học hy vọng phát hiện này sẽ giúp làm sáng tỏ những bí ẩn về nguồn gốc loài người.


Hộp sọ này vẫn còn giữ được phần xương mặt và không bị biến dạng. Điều này sẽ cung cấp những thông tin có giá trị trong việc mô phỏng hình thái học.


Hóa thạch sọ khỉ 6 triệu năm tuổi tại Trung Quốc

Hóa thạch sọ khỉ 6 triệu năm tuổi. (Ảnh: Xinhua)


"Đây là hộp sọ thứ hai được khôi phục của một con khỉ thuộc chi Lufengpithecus, sống ở lục địa Á-Âu trong kỷ Trung Tân cách đây 5-23 triệu năm", Tiến sĩ Ji Xueping đến từ Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học Vân Nam, trưởng nhóm nghiên cứu phát biểu tại một cuộc họp báo.


"Nghiên cứu cho thấy loài linh trưởng có một số đặc điểm giống với con người, ví dụ như chiều rộng hốc mắt dài hơn chiều cao", Giáo sư Lu Qingwu của Viện Nhân loại học và Sinh vật học, Học viện Khoa học Trung Quốc, nói.


Hộp sọ phát hiện được có vai trò quan trọng trong quá trình nghiên cứu về tổ tiên loài người, vì thời điểm linh trưởng sống gần với thời điểm con người xuất hiện, cách đây khoảng 5-7 triệu năm.


Hóa thạch của các loài linh trưởng có niên đại tương tự được tìm thấy nhiều tại châu Phi, nhưng lại khá hiếm tại châu Á. Từ khía cạnh này, có thể thấy phát hiện trên rất quan trọng. Các nhà học giả cũng đang đặt giả thuyết châu Á mới là cái nôi của tổ tiên loài người, chứ không phải Châu Phi như nhận định trước đây.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn