Sinh viên y khoa phải xác định: học là việc cả đời - Thể thao văn hóa

GS.TS Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng, Giám đốc bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế:


(Thethaovanhoa.vn) - Trong hệ thống Giáo dục Việt Nam, ngành y là ngành có số năm đào tạo nhiều nhất và hằng năm số lượng hồ sơ thi tuyển vào các trường Đại học Y dược cũng rất lớn. Xung quanh vấn đề này, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Cao Ngọc Thành- Hiệu trưởng, Giám đốc bệnh viện trường Đại học Y Dược – Đại học Huế.

* Bình thường các em sinh viên (SV) đại học chỉ tốn khoảng thời gian 4 đến 5 năm là có thể tốt nghiệp và có được một việc làm ổn định, nhưng với ngành y dược thì thời gian theo học lại nhiều hơn. Theo thầy vì sao nhiều sinh viên vẫn chọn ngành y?


- Thật ra đào tạo y khoa 6 năm thì không phải là dài. Có một giáo sư y học rất nổi tiếng đã nói như thế này: “Kết thúc chương trình đào tạo y khoa tại trường thì mới chỉ là bắt đầu”. Trên thế giới, sau khi được đào tạo ở trường y, người học phải mất thêm 2 năm nữa, thậm chí ở một số chuyên ngành thì phải mất thêm 10 năm nữa mới có thể làm việc được.

Điều ấy là rất rõ ràng, bởi khối lượng kiến thức dành cho SV trường y rất là lớn. SV y khoa phải chấp nhận dấn thân, bởi các em chính là những người trực tiếp tác động lên con người. Trong 6 năm ấy, các em chỉ mới học các kiến thức rất cơ bản. Các em ra trường và muốn làm tốt được công việc thì phải tiếp tục qua một hệ thống đào tạo nữa, để có kiến thức chuyên sâu hơn, phục vụ tốt cho người bệnh. Đó là những cái học bắt buộc. Đã là một SV y khoa thì phải học cả đời.


Khi người bệnh đến với chúng ta, thì việc chúng ta làm tốt hay làm xấu, có thể họ không biết, nhưng lương tâm người bác sĩ thì luôn biết. Thực tế ấy đòi hỏi SV y khoa không đươc chấp nhận cái mình đang có, mà phải tiếp tục học, bởi nếu không, người chịu thiệt thòi nhất chính là người bệnh. Chính vì thế, giáo dục trong y khoa không chỉ đơn thuần là giáo dục về mặt y học mà giáo dục về mặt nhân văn cũng rất quan trọng. Người bác sĩ giỏi không chỉ là người bác sĩ thực hành tốt kỹ năng chuyên môn mà phải là một người rất dễ gần, rất thân thiện với bệnh nhân.



GS.TS Cao Ngọc Thành


* Các bác sĩ y khoa khi ra nước ngoài hành nghề thường phải qua những cuộc kiểm tra đánh giá và có khi phải tham gia các khóa đào tạo thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Thầy có suy nghĩ gì về vấn đề này?


- Đó chính là tính liên thông và hội nhập quốc tế giữa các chương trình đào tạo khác nhau. Đó là điều cần thiết. Và khi có hệ thống kiểm định khoa học các trường đại học và có sự xếp hạng đại học thì các SV tốt nghiệp hay các bác sĩ qua nước ngoài học tập sẽ được tiếp nhận một cách dễ dàng hơn.


Thực tế thì một bác sĩ nước ngoài sang Việt Nam hành nghề cũng phải qua một quá trình kiểm tra, có thể đánh giá công khai, cũng có thể qua quan sát. Tương tự, bác sĩ Việt Nam ra nước ngoài để hành nghề thì cũng phải được phía họ xác định năng lực hành nghề. Nhiều bác sĩ sau khi kiểm tra, đánh giá thì được cấp chứng chỉ hoặc có thể học thêm 1 hay 2 năm nữa để được hành nghề. Điều đó đúng, bởi khi người ta chấp nhận cho anh tác nghiệp trên bệnh nhân, ngoài vấn đề nhân đạo, còn liên quan đến tính pháp lý.


Theo đánh giá riêng của tôi thì năng lực các bác sĩ mình đào tạo ra khi đi tác nghiệp ở nước ngoài cũng không có gì thua kém. Tôi đã từng so sánh, một sinh viên nước ngoài đang học năm thứ 5 sang Việt Nam và được phép vào phụ mổ. Mình quan sát thì thấy các kỹ năng của họ không bằng sinh viên Việt Nam. Điều ấy không phải là việc đào tạo của họ không đạt yêu cầu, mà do ở nước ngoài, việc tiếp xúc trên người bệnh là khó lắm.


Ở Việt Nam thì việc đó cũng không phải là dễ mà do quá trình thực tập thì các em có điều kiện vào cùng làm việc các thầy nhiều hơn nên có kinh nghiệm hơn mà thôi.


* Trường có một bệnh viện thực hành trực thuộc, như vậy SV y khoa có dịp tiếp xúc sớm với công việc trong tương lai. Vậy đối với SV trường ĐH Y Dược, trường có định hướng như thế nào để các em ra trường có thể phục vụ tốt công việc?

- Hiện nay, nhiều bệnh viện quá tải và điều ấy tác động rất lớn đến việc chăm sóc bệnh nhân. Trong đào tạo cho SV tại ĐH Y Dược, chúng tôi xây bệnh viện thực hành của trường theo mô hình các nước trên thế giới. Đối với các trường Y Dược, người giảng dạy vừa là người thầy giáo vừa là người thầy thuốc, thế nên mọi việc phải rất chuẩn. Bởi ngay như việc ghi một đơn thuốc hay một phiếu mổ cũng là một bài học của SV.


Khi người thầy tiếp xúc với bệnh nhân, SV sẽ nghe cách thầy nói, thầy giải thích với bệnh nhân; sinh viên sẽ thấy ánh mắt của thầy đối với bệnh nhân như thế nào, có thân thiện hay không? Và đấy cũng chính là động lực giúp cho người thầy vượt qua những cái rất bình thường để hoàn thành cả hai vai người thầy giáo và người thầy thuốc. Đấy chính là lợi ích kép.


* 3 thủ khoa của Đại học Huế năm nay đều là sinh viên ĐH Y Dược đều đạt 29,5 điểm. Vậy so với những năm trước, chất lượng đầu vào của ĐH Y Dược như thế nào?

- Thực ra đầu vào của sinh viên y khoa năm nào cũng cao, nhưng đào tạo y khoa cần một điểm ngưỡng để có thể đào tạo được, nếu điểm cao thì càng tốt. Năm nay điểm vào các trường y đều cao hơn các năm. Hằng năm chúng tôi đều có hội nghị về nhu cầu nguồn nhân lực y tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trên cơ sở đó sẽ có được chỉ tiêu.


Tuy nhiên việc xây dựng chỉ tiêu ấy phải trên nền chuẩn quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo: số m2 đất/ sinh viên hay cán bộ giảng dạy/ sinh viên… Năm nay chỉ tiêu là 1540 cho các hệ đào tạo chính quy. Liên thông chính quy và vừa làm vừa học thì tổng là 1900, chưa kể dự bị đại học.



Năm 2011, trường đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Chủ tịch nước trao tặng


* Thầy có thể đánh giá như thế nào về nền y học của Việt Nam so với các nước trên thế giới?

- Theo đánh giá về mặt y học thì hiện nay chúng ta không thua kém gì các nước trên thế giới. Cách tiếp cận bệnh tật của chúng ta, về chẩn đoán, xử lý, đánh giá bệnh nhân thì chúng ta không thua kém các nước trên thế giới. Chỉ có điều về mặt các trang thiết bị hỗ trợ thì họ nhiều hơn, hiện đại hơn.


Nói về mặt đào tạo thì một SV được tốt nghiệp ở đây thì khi ra nước ngoài thì cũng không thua kém gì với người ta. Cái giới hạn của chúng ta hiện nay mà tôi thường trao đổi với SV y khoa là logic về mặt suy nghĩ, chúng ta không mạnh dạn bằng các sinh viên nước ngoài. Sinh viên nước ngoài có “văn hóa phản biện” rất mạnh. Thứ 2 là vấn đề tự học, tự đọc thì còn hạn chế hơn. Tuy nhiên thế hệ sau này thì có nhiều cái dễ dàng hơn những người đi trước khi họ có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ… vì thế các thông tin về mặt y học cũng dễ dàng được tiếp cận hơn.

Người thầy dạy học bây giờ khác ngày xưa. Ngày xưa thì thầy dạy trò nghe, nhưng bây giờ thì các em có điều kiện và thời gian để thu thập các thông tin vì vậy người thầy bây giờ cần có thêm kỹ năng là cùng sinh viên giải quyết những thông tin đó. Như vậy đòi hỏi người thầy phải làm việc nhiều hơn. Quỹ thời gian dành cho thuyết giảng sẽ ít đi, quỹ thời gian dành cho thảo luận nhiều hơn. Trong đó người thầy có thể đưa ra những kinh nghiệm mà mình gặp trong quá trình thực hành của mình để SV thảo luận. Trường ĐH Y Dược đang thúc đẩy và vận hành cách dạy học như vậy.


Chúng tôi đang hy vọng và mong muốn được xếp hạng đại học. Có xếp hạng đại học thì chúng ta mới biết mình đang ở đâu. Bởi việc đánh giá chất lượng tốt nhất là ở việc xếp hạng đại học bằng hệ thống kiểm định chất lượng theo các nước trên thế giới. Nếu chúng ta chưa có đủ các điều kiện để đánh giá theo chuẩn quốc tế thì có thể đánh giá theo thang của các nước trong khu vực. Điều đó liên quan đến nhiều vấn đề như chất lượng đầu vào, chất lượng đầu ra, quá trình dạy học và cả cơ sở hạ tầng và đặc biệt là việc đăng tải các thông tin khoa học trên các tạp chí…

* Cám ơn thầy về cuộc trao đổi!


Tiểu Mã (Thực hiện)






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn