Khoa học chân chính không có chỗ cho lòng đố kỵ - VietNamNet


Cùng xắn tay đóng góp vào những thành tựu khoa học và biết trân trọng những thành công của đồng nghiệp mới là yếu tố quyết định “tầm vóc” của một nhà khoa học.











khoa học, Nobel, đố kỵ, giáo dục

Các nhà khoa học đoạt giải Nobel tham dự lễ khánh thành tòa nhà trung tâm hội nghị thuộc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Bình Định ngày 12.8 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch



Có thể cảm nhận rất rõ niềm phấn khởi trên từng gương mặt đại biểu, đặc biệt là các bạn trẻ, khi Hội nghị "Gặp gỡ Việt Nam lần 9” (GGVN) khai mạc ngày 12.8 tại Quy Nhơn, Bình Định với sự tham dự của hơn 180 nhà vật lý quốc tế, trong đó có 5 nhà khoa học (KH) từng đoạt giải Nobel. Tuy nhiên, ngay cả trước và bên lề hội nghị, đã có tranh luận về ý nghĩa cuối cùng của việc quy tụ hàng loạt tên tuổi lớn tại GGVN lần này cũng như thông điệp quan trọng nhất của nó đối với người trẻ.


Có ý kiến cho rằng sự tham dự của 5 nhà KH Nobel tại GGVN mang nặng về tính trình diễn nhiều hơn và sẽ khó mà mang lại kết quả nào rõ rệt. Quan điểm của ông về vấn đề này?


Giáo sư Ignatios Antoniadis (Trung tâm nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) - Thụy Sĩ): Những ai có suy nghĩ như vậy thì hơi cực đoan. Sự góp mặt của các nhà KH đoạt giải Nobel rõ ràng là nâng đẳng cấp của GGVN lên và tạo sự chú ý trong cộng đồng quốc tế, ngoài việc truyền hứng khởi nghiên cứu cho người trẻ. Cái quan trọng nhất vẫn là giới KH VN sau khi hội nghị kết thúc cần biết tận dụng và phát huy tối đa những lợi ích thiết thực nhất từ GGVN mang lại.


GS Joe Incandela (Mỹ): Theo tôi, điều quan trọng nhất là giải Nobel không nhằm tôn vinh một cá nhân nào cả. Hiểu rộng hơn, giải thưởng này nhằm tôn vinh chính lĩnh vực mà nhà KH đoạt giải đó nghiên cứu, như vật lý. Sự tôn vinh này mang lại một vị thế vững vàng cho ngành đó và từ đó để có thể thu hút được nhiều hỗ trợ cho những nghiên cứu tiếp theo, cuối cùng là tạo ra những thành tựu công nghệ cho nhân loại.


Vì sao lại không đề cao chủ nghĩa cá nhân, thưa ông?









GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về việc học toán


Sáng 13.8, gần 1.000 giáo viên, học sinh các trường THPT ở Bình Định, đoàn học sinh đoạt giải thưởng Olympic toán học và vật lý quốc tế đã có buổi giao lưu, trò chuyện với GS Ngô Bảo Châu nhân chuyến công tác của ông tại TP.Quy Nhơn, Bình Định. GS Ngô Bảo Châu đã có hơn 2 giờ đồng hồ để chia sẻ với các học sinh về những câu chuyện toán học, quá trình từ thích học toán đến nhận thấy mình khá về toán, kinh nghiệm, tâm lý trong những lần thi học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế…


Minh Úc



GS Gilles Gerbier (Pháp): Trao giải Nobel cho một (nhóm) nhà KH này không có nghĩa là những nhóm khác không có những thành tựu nổi bật. Do vậy, người ta cũng có lý khi cho rằng giải thưởng không thể “công bằng” cho tất cả các nhà KH được coi là xứng đáng.


GS De Roeck Albert (CERN): Khác với thời của nhà KH Nobel, gần đây các công trình nghiên cứu đưa đến những tiến bộ vượt bậc đều do một nhóm nhà KH thực hiện. Giải Nobel vẫn luôn rất quan trọng nhưng những quy tắc về giải thưởng không theo kịp sự phát triển của KH.


GS Jack Steinberger (người Mỹ gốc Đức, Nobel Vật lý 1988): Tôi chưa bao giờ là một tín đồ của giải Nobel. Tôi nghĩ những giải thưởng danh giá như thế một mặt vẫn rất xứng đáng, nhưng mặt khác vẫn rất vô chừng. Lấy ví dụ ngay chính giải thưởng của mình. Công trình đoạt giải Nobel của tôi có đến 7 nhà KH tham gia, nhưng làm sao Ủy ban Nobel biết rõ tường tận công việc của chúng tôi mà chỉ trao giải cho có 3 người? Không có công sức của 4 người còn lại, làm sao công trình đó hình thành và hoàn tất?


Nhưng cho dù các nhà KH được cho là xứng đáng vẫn chưa có cơ hội được công nhận bằng giải thưởng, những thành tựu khoa học vẫn cứ nối tiếp nhau ra đời đó thôi, thưa ông?


GS Incandela: Bởi vì giới KH chúng tôi không bao giờ làm việc để mưu cầu giải thưởng. Ước muốn lớn nhất của chúng tôi là được học hỏi và hiểu biết thêm nhiều hơn về tự nhiên, để từ đó đóng góp thêm vào sự phát triển của KH nhân loại. Chúng tôi dĩ nhiên là hãnh diện với những thành tựu hay những ghi nhận danh giá dành cho đồng nghiệp mình, vì suy cho cùng, điều đó cũng chính là sự công nhận những đóng góp của ngành nghề chúng tôi vào sự phát triển xã hội.


GS Kate Scholberg (Mỹ): Nói gì đi nữa, thì những khám phá KH và sự ghi nhận dành cho chúng, cũng như bao ngành nghề khác, đều không thể loại trừ yếu tố may mắn. Rất nhiều những thành tựu và giải thưởng đều liên quan mật thiết đến các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nói nôm na là “phải có thời”.


Vậy nếu “thời” không đến thì sao, thưa ông?


GS Gerbier: Nếu “thời” được đánh đồng với sự nổi tiếng thì không một nhà KH nào tôi biết có mục tiêu tối thượng là đạt được nó cả. Tất nhiên, bản chất con người là luôn mong muốn được thừa nhận là “một ai đó”, nhưng nếu đầu óc của một nhà KH lúc nào cũng bị những đố kỵ đại loại như “vì sao anh được giải thưởng mà tôi thì không” chi phối thì sẽ không bao giờ có cơ hội được thừa nhận là một nhà KH chân chính, chứ đừng nói là “tầm vóc” này nọ.


GS Steinberger: Vinh quang của giải thưởng hay niềm phấn khích về một sự kiện như GGVN rồi cũng sẽ qua đi rất nhanh. Nỗi ám ảnh triền miên của một nhà KH chân chính là những gì anh ta không thể làm đằng sau sự tung hô đó. Đối với tôi, đó là sự bất lực trong việc thuyết phục các chính trị gia áp dụng những chính sách có lợi cho con người (như hạn chế tối đa việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay giải giới hạt nhân toàn cầu).


(Theo An Điền/Thanh Niên)






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn