Cần ưu đãi cho khoa học - Người Lao Động


Chiều 11-8, 4 nhà khoa học Mỹ đạt giải Nobel là Jack Steinberger, David J.Gross, Georges Smoot và Sheldon Lee Glashow đã đặt chân đến sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định) để tham dự Hội nghị “Cửa sổ nhìn ra vũ trụ” được xem là điểm nhấn của “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ IX và khánh thành Trung tâm Quốc tế và Giáo dục khoa học liên ngành (ICISE) diễn ra vào ngày 12-8.


Trước đó, GS Klaus von Klizing, nhà bác học đạt giải Nobel người Đức, cũng đã đến Bình Định chuẩn bị tham dự sự kiện quan trọng này.


Cần xem lại khoa học chuyên sâu


Vừa đến Bình Định, GS Sheldon Lee Glashow đã dành cho phóng viên Báo Người Lao Động cuộc trao đổi ngắn xung quanh hoạt động nghiên cứu khoa học Việt Nam. “Tôi biết hiện có một số nhà khoa học Việt Nam làm việc tại Pháp. Họ là những người giỏi và thành công trong nghiên cứu. Sinh viên Việt Nam mà tôi gặp tại TP HCM cũng có nhiều người giỏi. Họ có vốn tiếng Anh tốt và đưa ra nhiều câu hỏi sâu sắc về khoa học cơ bản, thể hiện sự tìm tòi rất kỹ về khoa học”- GS Sheldon Lee Glashow mở đầu cuộc trao đổi. Nhà bác học từng đạt giải Nobel năm 1979 vì những đóng góp cho thống nhất tương tác điện yếu và dự đoán về dòng trung hòa yếu này còn cho rằng: “Trong kỳ thi Olympic toán quốc tế năm nay, nước tôi chỉ xếp thứ 3, trong khi Việt Nam xếp thứ 7. Đó là điều rất đáng nể”.



Bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đón GS David J.Gross tại sân bay Phù Cát


Tuy nhiên, theo GS Sheldon Lee Glashow, Việt Nam cần phải xem lại khoa học chuyên sâu cũng như cơ chế ưu đãi cho việc nghiên cứu khoa học. “Những nước có nền khoa học phát triển có cách đào tạo khác Việt Nam. Tôi nghĩ Việt Nam cần mở hơn trong việc giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho các nhà khoa học. Qua đó sẽ giúp sinh viên tự tin hơn trên con đường nghiên cứu khoa học của mình”- GS Sheldon Lee Glashow gợi ý.


GS Klaus von Klizing cũng đánh giá cao khoa học Việt Nam. “Nếu so sánh ở châu Á, khoa học Việt Nam có thể cạnh tranh với Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore”- GS Klaus von Klizing nhìn nhận. Tuy nhiên, theo nhà bác học người Đức này, để khoa học Việt Nam phát triển, chính sách đầu tư cho nhà khoa học trẻ cần “thoáng” hơn.


Cơ hội đẩy mạnh quan hệ quốc tế


GS Jack Steinberger đến Việt Nam lần này khi ông đã 92 tuổi. Đề cập lý do ông đã gửi thư đến tổng thống Bush bày tỏ mong muốn Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam sau lần đầu đến Việt Nam cách đây 20 năm, GS Jack Steinberger cho biết: “Tôi thấy mình có lỗi với Việt Nam, đất nước chúng tôi có lỗi với Việt Nam. Đó là điều thôi thúc tôi trở lại Việt Nam lần này. Nhưng thôi, bây giờ không nói chuyện ấy. Chúng tôi muốn làm được nhiều việc hơn cho Việt Nam”. Theo GS Jack Steinberger, ông gắn bó với Việt Nam bởi rất quý vợ chồng GS Trần Thanh Vân. “Họ là những người giúp chúng tôi xích lại gần và được giúp Việt Nam nhiều hơn” - ông nói thêm.


Trong khi đó, GS Sheldon Lee Glashow cho biết mình đến “Gặp gỡ Việt Nam” lần này là để trao đổi một số vấn đề về vật lý cơ bản đang được giới khoa học quan tâm. Qua đó, ông hy vọng sẽ giúp các nhà khoa học trẻ Việt Nam thêm yêu khoa học, tạo tiền đề để Việt Nam phát triển. “Việt Nam có thể đứng đầu về xuất khẩu gạo nhưng chỉ vậy thôi thì Việt Nam sẽ ra sao? Nếu có nhiều nhà khoa học đến Việt Nam cùng với sự ra đời của Trung tâm Quốc tế và Giáo dục khoa học liên ngành sẽ giúp Việt Nam định hướng phát triển khoa học, từ đó khẳng định vị thế của mình”- GS Sheldon Lee Glashow phân tích.










Thêm động lực cho nhà khoa học trẻ


Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng “sự hiện diện của 5 nhà bác học đạt giải Nobel sẽ giúp Việt Nam xác định rõ hơn con đường phát triển khoa học. Họ tạo điều kiện tốt hơn cho các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận những thành tựu của khoa học thế giới. Những cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học hàng đầu thế giới sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam theo đuổi con đường nghiên cứu của mình.








Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn