Trò chơi vương quyền thời Maya - Báo Khoa học


Một cột đá tưởng chừng như vô tri vô giác vẫn đủ sức chuyển tải những tình tiết ly kỳ về cuộc chiến quyền lực qua nhiều thế hệ thời Maya cổ.


Được phát hiện bên dưới một ngôi đền Maya ở Guatemala, những ký tự và hình vẽ trên một cột trụ bằng đá có niên đại 1.450 năm đã giúp hé mở câu chuyện gay cấn về cuộc tranh giành quyền lực qua nhiều thế hệ của vương triều Maya thời xưa, giống như một phiên bản đời thực của bộ phim truyền hình nổi tiếng hiện nay Trò chơi vương quyền.


NBC News dẫn lời nhà nhân loại học David Freidel (của Đại học Washington tại St.Louis) cho biết ông và đồng sự nước ngoài đã khai quật được cột đá trên vào tháng 3 tại khu khảo cổ El Peru-Waka, thuộc miền bắc Guatemala. El Peru-Waka đóng vai trò là một trong những trung tâm quyền lực của nền văn hóa Maya cách đây hơn một thiên niên kỷ. Các nhà nghiên cứu xác định được rằng cột đá, được đặt tên là Stela 44, được dựng lên vào năm 564.


Trò chơi vương quyền thời Maya

Cột trụ Stela 44 mang theo những chi tiết đắt giá của lịch sử Maya thời xưa - (Ảnh: NBC)


Những nét chạm trổ trên thân cột cho thấy nó xuất hiện vào đời vua Wa'oom Uch'ab Tzi'kin, nhằm vinh danh cha của ông này là vua Chak Took Ich'aak (biệt danh Vuốt Lóe Đỏ), mất cách đó 8 năm. Tượng đài cũng đề cập đến một hoàng hậu là bà Ikoom, có vẻ như là vợ của vua Vuốt Lóe Đỏ. Chuyên gia Freidel cho hay những chữ khắc trên thân cột Stela 44 cho thấy bà Ikoom dùng tượng đài để củng cố quyền lực của gia đình tại El Peru-Waka.


Đây là lúc những tình tiết như trong phim Trò chơi vương quyền được hé lộ. Vào một thời điểm, El Peru-Waka là vương quốc bị mắc kẹt giữa kỷ nguyên đồng thời tồn tại hai siêu quyền lực Maya: vương triều Tikal, và sự thống trị của Snake Lords, tức các Chúa Rắn. Dựa trên những điều được ghi lại ở Stela 44, kết nối với những câu chuyện dân gian khác về Maya, vua Vuốt Lóe Đỏ là một chư hầu của Tikal, trong khi bà Ikoom xuất thân gia thế, từ dòng dõi các Chúa Rắn. Giữa năm 556 và 564, nền chính trị Maya trải qua bước ngoặt trọng đại, các Chúa Rắn ngày càng giành được đỉnh cao quyền lực trong khi vương triều Tikal suy thoái dần. Chuyên gia Freidel phỏng đoán rằng vua Vuốt Lóe Đỏ có thể đã bị kẻ trị vì Tikal ra lệnh ám sát vào năm 556, và kết quả của vụ bê bối đó có thể góp phần vào sự sụp đổ của chính vua Tikal. Vị vua này, tên Wak Chan K'awiil, đã bị vua Rắn mang ra tế thần vào năm 562.


Theo phân tích của chuyên gia Freidel, bà Ikoom dùng Stela 44 để gửi đi một thông điệp củng cố quyền lực sau khi vua Tikal bị hành quyết khoảng 2 năm. Những chữ khắc trên cột đá nhấn mạnh sự trị vì của con trai bà này tại Waka thông qua những kết nối của vua cha với vương triều Tikal, đồng thời chỉ ra sự liên quan gần gũi với dòng dõi các Chúa Rắn của bà này. Bà này chỉ ra rằng sau khi giết Vuốt Lóe Đỏ, vua Tikal cũng mất mạng dưới tay các Chúa Rắn. Bà Ikoom được xem là phiên bản đời thực của hoàng hậu Rồng trong bộ phim trên, tên Daenarys Targaryen, vợ của vua thuộc vương triều Stark. Bà này cũng cho dựng một tượng đài để xác lập vị thế trước nhà Lannister, từng là đồng minh với nhà Stark nhưng sau đó trở mặt thù địch.


Khi được phát hiện, Stela 44 trong tình trạng bị hủy hoại, và chuyên gia Freidel đoán rằng cột trụ đã bị đào lên để dời sang nơi khác, có thể là vào thế kỷ thứ 7, khi mà một vua khác của triều đại Tikal thâu tóm cả khu vực, bao gồm Waka. Tuy nhiên, vua mới của Tikal cũng không đắc ý được lâu. Liên minh của các Chúa Rắn lại giành được Waka, một trong những nhân vật chủ chốt nhất thời đó là bà K'abel, người được gọi là “Tư lệnh tối cao” của Waka. Hồi năm ngoái, Freidel và đồng sự đã được chứng cứ cho thấy bà K'abel quyền lực không kém gì nữ hoàng Cleopatra thời Ai Cập cổ đại, hay như nhân vật nữ hoàng Daenarys trong loạt phim Trò chơi vương quyền.


Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định mọi giả thuyết do nhóm Freidel đưa ra về Stela 44. Cần có thêm nhiều nghiên cứu trước khi câu chuyện đầy gay cấn trên được chấp nhận như một dữ liệu lịch sử.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn