Do các nhà khoa học Việt Nam đề xướng và điều hành - Lao động

Đã từ lâu tôi có hoài bão đứng ra thành lập một tờ báo khoa học quốc tế chuyên ngành! Ý định phát xuất đã hơn 30 năm rồi, khoảng năm 1981 khi tôi đi tham dự Hội nghị khoa học tại Anahiem, California (Hoa Kỳ) về cấu trúc các lò nguyên tử lực. Lúc ấy có một nhà xuất bản quốc tế, nếu tôi nhớ không lầm là Elsevier (Hà Lan) tìm cách tiếp xúc và ra đề nghị là nếu tôi đề xướng thành lập một tạp chí khoa học, họ sẽ ủng hộ. Tôi đã không đáp ứng được yêu cầu này trong thời điểm ấy vì lực bất tòng tâm.


Sau ngày lấy hưu trí về sinh sống tại quê nhà, được các trường Đại học Việt Đức (VGU) rồi Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) mời làm cố vấn cao cấp. Riêng TDTU yêu cầu tôi gợi ý cụ thể về những dự án giúp họ phát triển và phấn đấu để trở thành một trường đại học nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Tôi ghi trong biên bản là sẽ giúp TDTU thành hình các nhóm nghiên cứu về chuyên ngành của tôi - tính toán cấu trúc xây dựng và cơ học, tổ chức các lớp đào tạo cấp bậc thạc sĩ, chuẩn bị nghiên cứu sinh đi làm luận án tiến sĩ tại các nước phát triển. Nhớ lại hoài bão thành lập một tạp chí khoa học, tôi có ghi thêm trong biên bản việc này.

Gần đây giới lãnh đạo khoa học công nghệ Việt Nam chợt thức tỉnh về tình trạng tụt hậu thê thảm trong công bố khoa học quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam. Có một tờ báo khoa học quốc tế do một ê kíp người Việt đề xướng và điều hành là đáp ứng một đòi hỏi bức thiết: Khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghiên cứu sinh Việt Nam công bố các công trình nghiên cứu, vươn ra quốc tế. Tuy nhiên, trên bình diện quốc tế cho ra đời một tờ báo khoa học quốc tế trong năm 2013 là một động tác rất khó, khả năng thành công rất hạn hẹp. Sự cạnh tranh thật là khốc liệt và việc bước chân ra quốc tế không đơn giản chút nào… Còn nếu cho xuất bản tại Việt Nam, không có một nhà xuất bản danh giá ủng hộ thì có lẽ phải duy trì cho được ít ra 20 năm, quốc tế mới biết đến.


Vì ý thức rõ những khó khăn này nên tôi đã rất băn khoăn. Nhưng ban lãnh đại học TDTU đã không ngừng hối thúc tôi và cam kết là ngay cả không có quốc tế ủng hộ, họ cũng sẽ đứng ra bảo trợ việc xuất bản tạp chí khoa học do tôi đề xướng và điều hành. Chính quyết tâm này đã xua tan những do dự ban đầu và tôi quyết định bắt tay vào việc đề xướng tờ báo khoa học trong chuyến trở lại Bỉ vào tháng 3 năm nay.


Hiện nay, TDTU là thành viên sáng lập, sẽ đứng ra đảm đương việc thực hiện bản in, hỗ trợ tổng biên tập thông qua một ban thư ký thường trực, nhất là tạo điều kiện phòng ốc để APJCEN có đại bản doanh tại Việt Nam.


Nhiều người hỏi tôi bí quyết về việc mời gọi các nhà khoa học ở nhiều quốc gia vào ban biên tập. Tôi xin trả lời gắn gọn như sau:


Tôi vốn là một nhà nghiên cứu, một giáo sư đại học có thời gian tác nghiệp tại Bỉ dài 40 năm, làm đủ các chức năng, từ nghiên cứu sinh cho đến giáo sư trưởng khoa. Tôi là tác giả của trên 200 bài báo khoa học, thường xuyên tham dự các hội nghị hội thảo khắp nơi. Tôi cũng đã được mời thăm viếng, cộng tác làm khoa học hay đi thỉnh giảng thuyết trình khoa học tại các đại học hay viện nghiên cứu tăm tiếng trên thế giới, chia sẻ với họ thông tin khoa học, trao đổi thảo luận với họ về những giải đáp cho những bài toán mũi nhọn đương đại để ngay cả ở đời thường chúng tôi đã dần dần trở thành những người bạn thân thiết. Tôi cũng đã đào tạo được khá đông đảo các sinh viên nay đã thành danh, đã trở thành nhà khoa học, giáo sư tại các đại học, các trung tâm nghiên cứu cao cấp ở các nước tiên tiến. Vì những mối thâm tình ấy mà khi tôi quyết định đưa ra đề nghị thành lập một ban biên tập quốc tế cho tờ báo mới, chỉ trong vòng hai tuần lễ đã có trên 40 nhà khoa học trả lời đồng ý trực tiếp tham gia. Và cũng vì có được một lực lượng hùng hậu trong ban biên tập bao gồm 45 nhà khoa học tiếng tăm trên thế giới trong lĩnh vực đặc thù này mà nhà xuất bản danh giá vào bậc nhất SPRINGER đã đồng ý đứng ra tài trợ xuất bản, ngay sau bức thư tham khảo đầu tiên tiên do một trợ lý của tôi tại TDTU gởi đi.


Nay trang nhà của APJCEN đã được hoàn chỉnh và nhà xuất bản SPRINGER đã bắt đầu cho phép các tác giả bắt đầu đăng ký các công bố khoa học: http://www.apjcen.com/


Báo mạng Radio Radio Australia đã phỏng vấn GS Nguyễn Văn Tuấn, và ông đã có lời bình sau đây về tính quốc tế của APJCE: “Nhìn vào ban biên tập, tạp chí Apjcen có nhiều chuyên gia nổi tiếng chuyên ngành từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc, Trung Quốc… Bản thân Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cũng là một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế. Tạp chí có bình duyệt nghiêm chỉnh và dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chuyển tải. Nhà xuất bản Springer là nhà xuất bản uy tín. Tất cả những yếu tố đó cho thấy tạp chí Apjcen có thể xem là một tạp chí khoa học quốc tế”.


Với những điều kiện ban đầu thuận lợi như trên, chúng tôi có cơ sở để kỳ vọng là sau một thời gian không lâu lắm, APJCEN sẽ được các nhà thức giả thừa nhận và đưa vào danh sách ISSN hay ISI. Để đảm bảo cho hướng đi lên này, với tư cách là Tổng Biên tập, tôi sẽ cùng các thành viên Ban Biên tập thường xuyên theo dõi, tổ chức việc thẩm định bài vở theo những tiêu chuẩn cần thiết cho đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi sẽ không chạy theo số lượng mà sẽ đặc biệt đề cao chất lượng của các bài báo gởi về đăng tải: Tính tiên phong mới mẻ, tính độc đáo khoa học…


APJCEN là tờ báo chuyên cho ngành tính toán, mô hình mô phỏng, một chuyên ngành mũi nhọn hiện đại, phát triển song hành với sự ra đời của máy tính. Tuy nhiên, nó cũng có tính đa ngành vì nó có thể áp dụng cho tất cả các lĩnh vực công nghệ. Hiện nay, sự áp dụng đang nhanh chóng mở rộng cho các ngành khoa học trọng điểm như vật lý, sinh học, hóa học…


Là tờ báo khoa học được quốc tế hóa, APJCEN sẽ phải áp dụng những tiêu chí thẩm định ngặt nghèo trước khi cho đăng tải. Trong tương lai những tạp chí khoa học khác ở Việt Nam nếu được đưa lên tầm cỡ quốc tế thì phải ra sức phấn đấu để đạt đến chất lượng trên… Đây là đòi hỏi của các xuất bản khoa học mũi nhọn. Tuy nhiên, tôi nghĩ Việt Nam nên duy trì những tạp chí khoa học dùng tiếng Việt, cần thiết cho những ứng dụng triển khai. Việt Nam cũng nên phong phú hóa các tạp chí khoa học tổng quát đa ngành rất cần cho đại chúng, Thật vậy, theo tôi tiêu chuẩn quốc tế là cần thiết nhưng không phải nhất thiết. Chúng ta không nên chỉ chạy theo các bản sắp hạng quốc tế mà chúng ta cần đặt mục tiêu hàng đầu là nâng cao một cách đồng bộ trình độ khoa học của nhân dân, nhất là giới đại học. Vấn đề ở đây là làm sao mỗi cơ quan báo chí khoa học phải có một bộ phận thẩm định gồm các nhà khoa học có đẳng cấp được đào tạo bài bản, có uy tín khoa học và tinh thần độc lập. Việc thẩm định sẽ giúp các tờ báo tránh được việc sao chép, loại trừ những bài không có cơ sở khoa học, những công bố vội vã của những kẻ háo danh…






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn