Một con ếch phi tiêu. Ảnh: Science Daily. |
Ếch phi tiêu là một nhóm loài ếch có nọc độc ở Trung Mỹ và Nam Mỹ. Với chiều dài cơ thể vỏn vẹn 25 mm, chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới và dùng chất độc để đối phó kẻ thù. Hiện nay, tình trạng phá rừng ở Nam Mỹ khiến tương lai của ếch phi tiêu tại đây trở nên bấp bênh. Để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của chúng, các chuyên gia về động vật của trường Cao đẳng Walford & North Shropshire tại Anh nảy ra ý tưởng giúp sinh viên phối giống ếch phi tiêu trong phòng thí nghiệm, Science Daily đưa tin.
Đối tượng thí nghiệm của nhóm sinh viên là hai con ếch phi tiêu (một con đực và một con cái) mà một học sinh của trường tặng trước khi gia nhập quân đội.
"Mặc dù ếch phi tiêu đẻ trứng nhiều lần, các học trò của tôi vẫn không thể biến trứng thành nòng nọc. Sau khi tìm hiểu các điều kiện môi trường cần thiết đối với hành vi sinh sản của ếch, chúng tôi điều chỉnh vài điều kiện trong phòng thí nghiệm", Simon Metcalfe, người chỉ đạo nghiên cứu, phát biểu.
Sau khi trứng được thụ tinh, nhóm sinh viên đặt trứng vào một ao. Họ duy trì nhiệt độ ở mức 27 độ C và chiếu tia cực tím xuống ao để mô phỏng môi trường tự nhiên của ếch phi tiêu. 12 tuần sau, trứng biến thành nòng nọc.
"Cuối cùng nỗ lực của chúng tôi đã được đền đáp. Những con ếch phi tiêu đầu tiên đã di chuyển từ nước lên đất", Metcalfe nói.
Mặc dù ếch phi tiêu có khả năng tiết chất độc, nhóm sinh viên không sợ chúng, bởi chúng chỉ có thể tiết chất độc sau khi ăn một số vỏ cây độc và côn trùng.
Minh Long
Nguồn : VNExpress