Thí nghiệm nêu trên còn nhân bản được chuột từ máu trích xuất ở tế bào bạch cầu, tủy xương và gan. Chuột cái sinh ra từ thí nghiệm này sống khỏe mạnh, thậm chí còn có thể sinh sản.
Nhóm nghiên cứu muốn xác định liệu máu trong cơ thể chuột có thể được sử dụng để nhân bản hay không. Mục đích của nghiên cứu này là tìm ra một nguồn tế bào luôn có sẵn để nhân bản các chuỗi gien quan trọng từ chuột thí nghiệm.
Dẫn đầu bởi TS Atsuo Ogura thuộc Trung tâm Nghiên cứu sinh học Riken, nhóm nghiên cứu đã sử dụng kỹ thuật lấy máu từ đuôi chuột, sau đó cô lập tế bào bạch cầu và sử dụng phần hạt nhân nuclei để nhân bản. Quá trình nhân bản, gọi là chuyển nhân soma, xoay quanh việc vận chuyển hạt nhân nuclei từ 1 tế bào máu hay tế bào da của cơ thể trưởng thành sang tế bào trứng đã được loại bỏ nhân.
Con chuột nhân bản chỉ từ một giọt máu. Nguồn: BBC - RIKEN BIORESOURCE CENTER
Quá trình chuyển nhân soma này cũng chính là kỹ thuật đã từng sử dụng trong việc nhân bản vô tính chú cừu Dolly ở Edinburgh - Anh. Nhóm nghiên cứu cho biết đây là một thí dụ điển hình cho khả năng nhân bản sử dụng nhân tế bào máu.
Thí nghiệm nêu trên cũng cho phép các nhà khoa học có thể nhân bản ngay lập tức những chuỗi gien quan trọng mà không cần thiết phải giết chết vật chủ, đặc biệt là khi các chuỗi gien không thể được bảo quản bằng phương thức thụ tinh ống nghiệm thông thường.
Đây là một trong các bước đột phá mới nhất mà giới sinh vật học Nhật Bản đạt được. Hồi tháng 3-2013, một viện nghiên cứu “anh em” với Trung tâm Riken cũng đã thành công trong việc nhân bản liên tục 600 con chuột qua 25 thế hệ liên tiếp chỉ từ con duy nhất.
Những nghiên cứu này mở đường cho các ứng dụng nhân bản vô tính trong tương lai, như nhân bản các loài thú năng suất cao trong nông nghiệp, nhân bản những loài thú hiếm cần được bảo vệ. Việc chỉ sử dụng 1 giọt máu sẽ giúp quá trình nhân bản có thể tiến hành trên diện rộng với số lượng lớn.