Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố kết quả một nghiên cứu giúp lí giải sự tồn tại của những đường rãnh dài và bí ẩn ở sườn dốc của các đụn cát khổng lồ trên sao Hỏa.
Một bức ảnh chụp của vệ tinh MRO cho thấy những đường rãnh dài và bí ẩn ở sườn dốc của một đụn cát khổng lồ trên sao Hỏa. Ảnh: EPA |
Các nhà nghiên cứu đã quan sát những đường rãnh kỳ bí thông qua vô số hình ảnh do vệ tinh thăm dò sao Hỏa MRO và các thiết bị khác của NASA chụp trong gần 10 năm qua.
Serina Diniega, nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm phản lực của NASA tại California (Mỹ) và là người đứng đầu nghiên cứu, tuyên bố: "Tôi luôn mơ được tới sao Hỏa. Hiện tôi lại có ước muốn được trượt tuyết trên một đụn cát trên Hành tinh đỏ".
Theo nhóm nghiên cứu, các rãnh lạ như những đường khía tuyến tính, chạy dần xuống dưới chân đụn cát, trải dài tới 2km trong khi chỉ rộng một vài mét, với các gờ nâng cao ở hai bên.
Bà Diniega và các cộng sự tin rằng, những rãnh này được hình thành khi bề mặt sao Hỏa ấm lên vào mùa xuân, khi một lớp băng cácbon điôxit (thường gọi là băng khô) bốc hơi. Hiện tượng này khiến các khối băng khô bị vỡ ra và trượt xuống các sườn dốc trên một tấm đệm hơi cácbon điôxit, tạo thành các rãnh tuyến tính thấy rõ trên cát.
Nhóm nghiên cứu đã đi đến quyết định trên sau khi phân tích những hình ảnh trước và sau khi hình thành các đường rãnh trên cát vào các mùa khác nhau. Để củng cố giả thuyết của mình, họ đã tiến hành các thí nghiệm trên Trái đất bằng cách đẩy trượt băng khô xuống chân các đồi cát ở Utah và California, tái dựng 100% đặc điểm xuất hiện trên sao Hỏa, bất chấp sự khác biệt về áp suất và nhiệt độ giữa hai hành tinh.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, bằng chứng cuối cùng về các khối băng trượt là sự hình thành nhiều hố ở chân đụn cát. Họ nhận định, đây là điểm dừng của các khối băng khô trước khi bốc hơi hoàn toàn thành khí.
Tuấn Anh(Theo NatGeo)