eCall - điện thoại cấp cứu tự động trên xe khách - Báo Khoa học


Kể từ tháng 10/2015, mọi xe khách lưu thông trong các nước Liên minh châu Âu (EU) đều phải trang bị hệ thống điện thoại cấp cứu tự động (eCall) để trong trường hợp xảy ra tai nạn, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp sẽ có thể ứng cứu nhanh nhất.


Đề xuất này được Ủy viên của EU phụ trách về giao thông Siim Kallas nêu ra ngày 13/6 trong bối cảnh chỉ tính riêng năm ngoái, tai nạn đường bộ tại khu vực EU đã cướp đi sinh mạng 28.000 người và làm 1,5 triệu người bị thương. Theo ông, khi tai nạn xảy ra, mỗi giây phút ứng cứu sớm hơn đồng nghĩa với nhiều mạng người được cứu sống hơn.


eCall - điện thoại cấp cứu tự động trên xe khách

Ảnh minh họa: Internet


Trang bị hệ thống eCall không chỉ giúp các phương tiện giao thông của châu Âu trở nên thông minh hơn mà còn là cú đẩy cần thiết cho ngành công nghiệp ô tô đang gặp khó khăn của khối.


Ủy ban châu Âu (EC) cho biết hệ thống eCall có thể tiết kiệm đến 40% thời gian cho lực lượng cứu hộ khi tại nạn xảy ra trong nội đô và 50% thời gian tại khu vực ngoại thành. Theo các chuyên gia, việc này sẽ có thể cứu được 2.500 người mỗi năm.


Khi tai nạn xảy ra, hệ thống eCall được kích hoạt sẽ tự động gọi đến tổng đài 112 - số điện thoại khẩn cấp duy nhất trên khu vực châu Âu - để thông báo địa điểm xảy ra tai nạn. Nhờ đó, lực lượng ứng cứu sẽ có thể đến hiện trường một cách sớm nhất để thực hiện công tác cứu hộ.


Cuộc gọi cũng có thể được thực hiện thủ công bởi tài xế, hành khách hoặc nhân chứng bằng cách ấn một nút trên xe.


Liên quan những lo ngại về tính riêng tư, EC cho biết eCall không cho phép theo dõi phương tiện khi trong chế độ nghỉ và chỉ được kích hoạt khi tai nạn xảy ra để gửi tín hiệu.


Theo ước tính của EU, trang bị hệ thống eCall nói trên có chi phí khoảng 100 euro. Tuy nhiên, chưa đến 1% số xe chở khách hiện nay được trang bị hệ thống này và hệ thống này cũng không hoạt động đồng bộ trên toàn EU.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn