“Công nghệ thông tin là lợi thế đặc biệt của Việt Nam”

Thủ tướng cho rằng, công nghệ thông tin là một lợi thế phát triển đặc biệt của Việt Nam trên nền tảng nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và được đào tạo cơ bản.




Hơn 10 năm qua, công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP, và là một lợi thế phát triển đặc biệt của Việt Nam.

Đưa ra khẳng định trên về tầm quan trọng của ngành công nghệ thông tin trong những năm qua, tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2013 diễn ra sáng 20/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, công nghệ thông tin đã và đang có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.


Theo Thủ tướng, hạ tầng viễn thông và dịch vụ viễn thông Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Mức độ triển khai chính phủ điện tử của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ hai của Nhật Bản.


Đáng chú ý, hai thành phố Hà Nội và Tp.HCM đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.


Ngoài ra, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh, y tế và giáo dục thông minh đến chính phủ thông minh và quốc gia thông minh.


Thủ tướng cho rằng, công nghệ thông tin là một lợi thế phát triển đặc biệt của Việt Nam trên nền tảng nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và được đào tạo cơ bản. Để phát huy lợi thế này, từ năm 2010 Chính phủ đã triển khai đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông.


Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa các lĩnh vực hạ tầng kinh tế xã hội.


Tháng 6/2013, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu dân cư 2013-2020 nhằm đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho mọi giao dịch của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội.


“Từ thực tiễn phát triển, chúng ta cần khẳng định công nghệ thông tin là trục kết nối chính và là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định góp phần thực hiện thành công ba đột phá chiến lược, gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.








Để công nghệ thông tin thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cùng triển khai 7 nội dung nội dung nhiệm vụ giải pháp, gồm:

- Nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển - tiến kịp thời đại.


- Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia.


- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia.


- Xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư trong tiến trình phát triển.


- Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực canh tranh vươn ra thị trường nước ngoài.


- Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguôn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển công nghệ thông tin.


- Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.







Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn