Con người có thể đánh lừa máy phát hiện nói dối










Con người có thể ngăn chặn những ký ức của mình theo ý muốn
Con người có thể ngăn chặn những ký ức của bản thân theo ý muốn. Ảnh minh họa: Scienceblog

Hệ thống phát hiện nói dối hiện sử dụng rộng rãi trong cơ quan thi hành pháp luật, tại nhiều quốc gia trên thế giới, như Nhật Bản và Ấn Độ.


Chiếc máy hoạt động dựa trên nguyên lý là tội phạm sẽ lưu trữ ký ức về hành động phạm tội của chúng trong não; sau đó thông qua các câu hỏi kiểm tra, não của đối tượng sẽ tự động bị khơi dậy những ký ức không thể kiểm soát, từ đó phát hiện ra hành vi phạm tội đã thực hiện.


Tuy nhiên, các nhà tâm lý học từ các Đại học Kent, Magdeburg, Cambridge, và Hội đồng nghiên cứu y khoa tìm thấy điểm hạn chế của hệ thống trên, đó là một số người có thể chủ động ngăn chặn các ký ức về hành vi đã thực hiện trong quá khứ, nhằm đánh lừa hệ thống kiểm tra.


Trong thí nghiệm, nhóm khoa học dàn xếp để người tham gia thực hiện các hành động phạm tội giả, sau đó họ bị tra hỏi về hành vi phạm tội, trong khi hoạt động điện não của họ đang được quan sát.


Kết quả, rất nhiều người xoay sở giảm những phản ứng của não khiến cho hệ thống kiểm tra nhận diện họ “trong sạch” mặc dù họ đã phạm tội.


Nghiên cứu cho thấy, các cuộc kiểm tra phát hiện nói dối không hoàn toàn chính xác tuyệt đối. Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, nên xem xét khả năng người được kiểm tra có thể chủ động che giấu ký ức của họ, để tránh bị phát hiện.


Tiến sĩ Jon Simons tại Đại học Cambridge cho biết, nghiên cứu trên chứng tỏ hệ thống phát hiện nói dối có những giới hạn. "Tất nhiên không phải tất cả các cuộc kiểm tra nói dối đều vô ích, nhưng cần biết rằng nó không hoàn hảo như chúng ta từng nghĩ", tiến sĩ Jon Simons nói.


"Không phải mọi người đều có thể kiểm soát ký ức để đánh bại hệ thống phát hiện nói dối. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm hiểu tại sao một số người lại đánh lừa bộ não hiệu quả hơn những người khác”, Michael Anderson, một nhà nghiên cứu khác tại Đại học Cambridge nói.


Nguyên Trường (theo scienceblog)







Nguồn : VNExpress

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn