(ĐVO) - Ngày 3/5, ông Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, "ngày 5/6 Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về Đàn Xã Tắc".
Theo ông Quốc, UBND Hà Nội đã có công văn chính thức gửi tới Hội khoa học lịch sử Việt Nam mời tham dự hội thảo này. Hội thảo sẽ được tổ chức vào 14h, ngày 5/6. "Hội sử học sẽ bày tỏ rõ quan điểm của mình tại hội thảo", ông Quốc nói.
Ngày 5/6 tổ chức hội thảo về Đàn Xã Tắc |
Trước đó, chiều 26/3, ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 2 năm nghiên cứu đã có phương án kiến trúc cầu vượt hạn chế giải phóng mặt bằng tại ngã 5 Ô Chợ Dừa.
Theo ông Lê Minh Đức, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội), cầu vượt dầm thép sẽ được thiết kế theo hướng vành đai I (từ Kim Liên đi Hoàng Cầu) có chiều dài 632m (5 dầm thép, 6 bản bê tông).
Cầu có mặt cắt ngang 14,5 m gồm 4 làn xe cơ giới, mỗi làn 3,25m. Đảo giao thông rộng 18m.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 776 tỷ đồng, trong đó phần xây lắp là 451 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng và thu hồi 549 m2 đất của 51 chủ sử dụng là 33,3 tỷ...
Trước thông tin về dự án nhiều nhà khoa học đã lên tiếng phản ứng gay gắt. GS Trần Lâm biền cho rằng "xây cầu vượt đi qua Đàn Xã Tắc là vượt lên đầu tổ tiên".
Còn GS Nguyễn Quang Ngọc thì cho rằng: Nên dừng dự án lại, các nhà quản lý cần tìm một giải pháp khôn ngoan hơn.
"Di tích quốc gia theo Luật Di sản bao gồm vùng lõi và vùng đệm, cả trên mặt đất và cả trong lòng đất, cả di tích, di vật và thiên nhiên cảnh quan. Việc xây cây cầu sắt khổng lồ nằm đè lên trên di tích, dù có không đụng chạm gì đến những hiện vật đã được lấp cát ở bên dưới thì cũng vẫn là một sự xâm hại di tích...
GS Phan Huy Lê cũng lên tiếng, "đảo giao thông hiện nay không phải là chỉ giới vùng lõi khu di tích. Nếu để xảy ra sự việc đó tức là vi phạm luật Di sản hết sức nghiêm trọng, buộc phải đình chỉ thi công. Bản thân dự án cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn".
Trước những tranh luận của các nhà khoa học, ngày 24/4, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bí thư Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến giải pháp giao thông tại khu vực Đàn Xã Tắc.
Theo đánh giá của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, di tích Đàn Xã Tắc có một giá trị đặc biệt quan trọng đối với Thủ đô Hà Nội. Dự án xây dựng cầu vượt tại khu vực có Di tích Đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa, Hà Nội) gây nhiều quan ngại đối với công tác bảo tồn di tích lịch sử , tạo dư luận trái chiều trong xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Để đảm bảo sự phát triển bền vững, tránh những xung đột giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội nghiêm chỉnh thực thi Luật Di sản trong việc phải sớm tiến hành Quy hoạch Khảo cổ học như luật định.
Đáp lại kiến nghị của Hội khoa học lịch sử Việt Nam, ngày 26/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã ký công văn số 1146-CV/VPTU trả lời Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về kiến nghị, đóng góp xây dựng dự án cầu vượt nút giao thông Ô Chợ Dừa.
Bí thư Phạm Quang Nghị cũng chỉ đạo rõ, "để có thể lựa chọn phương án kết hợp tối ưu và tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, thành phố sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, trong đó có Hội Khoa học lịch sử và cộng đồng dân cư khu vực này. Sau khi có đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, thành phố sẽ phê duyệt phương án xây dựng theo đúng quy định hiện hành".
Trước thông tin Hà Nội xây cầu vượt qua Đàn Xã tắc trong khi nhiều nhà khoa học phản đối vì xâm phạm đến một di tích rất quan trọng của Thủ đô, vi phạm Luật Di sản, chỉ đạo tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng: ‘Quan điểm của Chính phủ là không chỉ việc này mà bất kỳ việc gì đều không được vi phạm luật’.
Như vậy, sau nhiều ngày chờ đợi cuối cùng UBND Hà Nội cũng đã có thể trả lời Hội sử học Việt Nam bằng một hội thảo chính thức vào ngày 5/6 tới.
Nguyễn Vũ