Những vùng bị ô nhiễm nặng tại Trung Quốc
(CATP) Cách nay sáu năm, trong vòng bí mật, một chiến dịch tầm cỡ quốc gia đã được phát động để biết thực trạng ô nhiễm đất đai tại Trung Quốc (TQ). Theo nguồn tin chính thức, trị giá của chiến dịch này lên đến một tỉ nhân dân tệ (120 triệu euro). Trong 1.000 ngày - đêm, 150 nhà khoa học, như một tiểu đoàn đặc biệt, được huấn luyện kỹ lưỡng, lấy mẫu đất theo một hệ thống kẻ ô. Sau đó họ phân tích, thống kê cho phép lập ra căn bản dữ liệu và ngân hàng mẫu.
Nghiên cứu ô nhiễm đất kéo dài suốt ba năm rưỡi, bao trùm các tỉnh, thành phố của TQ, ngoại trừ Hồng Kông, Macau và Đài Loan. Kết quả tạo ra một tấm bản đồ ô nhiễm đất khổng lồ, mà công dụng không thể nói hết được. Từ căn bản này, người ta có những biện pháp làm thay đổi tình thế. Cuối năm 2010, 210.000 mẫu đất được thu thập, cho phép có 4,95 triệu dữ liệu có thể khai thác và 2,18 triệu thông tin môi trường gởi về từ các trạm quan sát địa phương. Một báo cáo tổng quát được viết ra cũng như những báo cáo chuyên đề. Từ đó dẫn đến xây dựng 12 công trường chỉ đạo, 18 báo cáo khoa học và 7 phác thảo hướng dẫn kỹ thuật tái tạo đất ô nhiễm.
Tuy nhiên, chuyện sau đó lại rất đáng kinh ngạc. Kết luận cuối cùng của cuộc điều tra này chẳng bao giờ được công bố. Tất cả đơn vị tham gia cuộc điều tra như Cục Bảo vệ môi trường, Cục Địa chính, các trường cao đẳng và trạm quan sát đều im lặng. Gao Shengda, thư ký Liên hiệp Công nghệ tái tạo môi trường TQ tuyên bố: “Vấn đề không chỉ giới hạn ở đất đai. Nó còn liên can đến an ninh nông sản xuất khẩu của TQ nữa. Làm sao có thể công bố kết quả một cuộc điều tra như thế mà không nghĩ đến hậu quả?”.
Một vấn đề khác đáng lo ngại hơn: tính khoa học của nghiên cứu. Trong đại kế hoạch quốc gia này, nói rõ là mạng lưới có kích thước 8 x 8km (lấy mẫu trên một diện tích 64km2) cho vùng đất canh tác, 16 x 16 cho vùng rừng và đồng cỏ, và 40 x 40 cho đất chưa khai phá. Wan Hongfu, một trong các cố vấn kỹ thuật của đại kế hoạch nói: “Rõ ràng mạng lưới quá thưa. Làm sao có thể nhìn thấy vấn đề trên một diện tích rộng đến như thế?”. Thiếu dữ liệu chính xác, các chuyên gia không thể lập ra một tấm bản đồ tương đối từ những thông tin rời rạc. Tuy nhiên họ vẫn thống nhất với nhau: ô nhiễm ở miền nam nghiêm trọng hơn miền bắc, kim loại nặng là thủ phạm chính, và vùng công nghiệp hóa càng dày đặc, ô nhiễm càng cao. Song Yun, thuộc Viện Bảo vệ môi trường công nghiệp nhẹ, giải thích: “Ô nhiễm đất do kim loại nặng lên mức cực điểm trong vùng tinh lọc và khai thác mỏ, nơi 70% đất đều bị nhiều hay ít. Tình hình nghiêm trọng tại các tỉnh Vân Nam, Quý Châu và Quảng Tây, với mức ô nhiễm chiếm 30 - 40% diện tích các nhà máy hóa chất và xi mạ, lên đến 80 - 90% tại các nhà máy thuốc thực vật. Tại các thành phố TQ và vùng ngoại ô, người ta phát hiện từ 10 - 20 ngàn nơi ô nhiễm có mức độ nguy hiểm cao”.
Trong khoảng 1995 - 2011, nhóm của giáo sư Chen Yucheng, thuộc Viện Môi trường & Tài nguyên thiên nhiên của trường Đại học Trùng Khánh, đã thu thập dữ liệu kim loại nặng trong đất của 3.688 vùng đô thị thuộc 43 thành phố lớn và trung bình. Kết quả: “Các thành phố Triều Châu, Nam Kinh, Khai Phong đạt mức ô nhiễm rất cao, thậm chí là cực kỳ cao. Ô nhiễm kim loại nặng ở phía bắc sông Dương Tử ít hơn ở phía nam, thành phố nhỏ và vừa ít hơn ở thành phố lớn. Cadmium, thủy ngân và chì là loại ô nhiễm phổ biến nhất tại các thành phố TQ”. Kết luận của giáo sư Chen trùng khớp với tư liệu chính thức về vấn đề này.