Các nhà khoa học Nga vừa tìm ra một xác voi ma mút còn nguyên vẹn kèm máu và các mô cơ còn dính lại do mắc kẹt trong băng ở khu vực Siberia, Nga.
Các nhà khoa học bên xác voi ma mút cái mới khai quật. Ảnh: news.ykt.ru. |
Con voi ma mút thuộc giống cái, được khai quật trên quần đảo Lyakhovsky, cực Nam quần đảo Tân Siberian, thuộc vùng biển Bắc Băng Dương, miền Đông Bắc nước Nga.
Các nhà khoa học đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy máu đen chảy ra từ khoang bụng của con vật ở Kỷ Băng Hà được bảo quản dưới lớp băng - 10 độ C. Phần mô cơ cũng có màu hồng đỏ như thịt tươi do phần dưới cơ thể kẹt trong băng vĩnh cửu, phần trên nằm ở vùng lãnh nguyên, vòi nằm riêng biệt.
Lượng máu tìm thấy đã được cho vào một ống nghiệm và kết quả phân tích vi khuẩn sẽ sớm được báo cáo. “Chúng tôi là những người đầu tiên trên thế giới tìm ra xác một con voi ma mút cái trưởng thành. Hiện xương và những phần cơ thể còn sót lại có trọng lượng khoảng 1 tấn, ước tính lúc sống con vật nặng gần 3 tấn”, hãng tin Interfax dẫn lời ông Semyon Grigoriev, người đứng đầu Bảo tàng voi ma mút thuộc Viện Sinh học Ứng dụng, Đại học Liên bang Đông Bắc cho biết.
Xác một voi ma mút con được tìm thấy năm 2007 |
Ông cũng cho biết thêm con voi sống ở khoảng thời gian từ 10.000 – 15.000 năm trước. Voi ma mút là loài sinh vật đã tuyệt chủng khoảng 4.000 năm trước, nguyên nhân được cho là do biến đổi khí hậu và săn bắt quá nhiều.
Hiện thế giới đã tìm ra tổng cộng 3 xác voi ma mút và nhiều nhà khoa học đang nỗ lực tìm các tế bào sống để nhân bản con vật khổng lồ này, nhưng việc làm này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Theo NLĐ