Tái cơ cấu VNPT phải đảm bảo ổn định MobiFone, VinaPhone


- Do nhiều nguyên nhân và vướng mắc, Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đang bị chậm về tiến độ. Bộ TT&TT yêu cầu Ban soạn thảo Đề án và VNPT cần đẩy nhanh tiến độ, đồng thời xác định được mốc thời gian cụ thể để đề án có thể sớm trình lên Chính phủ.















tái cơ cấu, VNPT, MobiFone, VinaPhone

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại phiên làm việc sáng 28/5/2013.



Tại phiên làm việc, đóng góp ý kiến xây dựng Đề án sáng 28/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng dự kiến Đề án sẽ được trình lên Thủ tướng trong tháng 9. Qua thảo luận, trao đổi đã làm rõ được nhiều nội dung quan trọng như mục tiêu, định hướng và các nguyên tắc cơ bản của việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT. Thứ trưởng khẳng định, tái cơ cấu các tập đoàn Nhà nước là một nội dung hết sức quan trọng của Chính phủ tại thơi điểm này, do đó, tái cơ cấu VNPT là một trách nhiệm nặng nề, quan trọng của Bộ TT&TT để có thể đảm bảo phát triển được ngành viễn thông VN.


Do quy mô và tầm ảnh hưởng lớn của một thương hiệu như VNPT nên việc Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn này thu hút được sự quan tâm của dư luận, của người dân là tất yếu. Câu chuyện tái cơ cấu, vì vậy không phải là việc nội bộ của riêng Bộ TT&TT, và Đề án cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng với các DN khác trên thị trường, dù cho VNPT có được những ưu tiên, ưu thế độc quyền tự nhiên của một DN Nhà nước ra sao, Thứ trưởng lưu ý.


Mục tiêu của Đề án cần xác định rõ mục tiêu tái cơ cấu VNPT là để Tập đoàn này mạnh lên, cải thiện sức cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. Theo đó, VNPT cần tái tổ chức lại sản xuất, tập trung vào những ngành nghề sở trường như viễn thông, di động, hội tụ, đa dịch vụ - trên cơ sở tận dụng mạng lưới sẵn có. Đối với những ngành nghề liên quan, Đề án cần tập trung làm rõ VNPT có kế hoạch đầu tư tài chính hay không? Đầu tư vào đâu? Những ngành nghề như đào tạo nhân lực, giáo dục có mở rộng hay không? "Hội tụ, đa dịch vụ thì cũng phải có sự chuyên môn hóa, tập trung hóa nhất định để tránh cạnh tranh nội bộ". Việc này nhằm tránh tình trạng dùng lợi nhuận hành chính để bù lỗ cho những doanh nghiệp con, đơn vị thành viên làm việc không hiệu quả, Thứ trưởng Thắng chỉ đạo.


Quan trọng nhất, Đề án tái cơ cấu VNPT cần phải giữ được sự ổn định cho hoạt động của Mobifone và VinaPhone. Trong phiên làm việc gần nhất của Chính phủ, Thủ tướng đã khẳng định đây là hai thương hiệu lớn và yêu cầu Đề án phải giữ được cùng lúc cả hai thương hiệu này, riêng việc cổ phần hóa MobiFone phải theo lộ trình mà Chính phủ đã chỉ đạo.


Một điểm đáng chú ý là trong khi Mobifone đã được xác định là sẽ tách riêng thành một doanh nghiệp độc lập thì các kế hoạch liên quan đến tái cơ cấu VinaPhone vẫn đang để mở hoàn toàn, chưa có bất cứ quyết định hay chỉ đạo nào từ phía Chính phủ. Do đó, Tập đoàn VNPT cần xây dựng được phương án nào tối ưu nhất, theo mô hình hiệu quả nhất dành cho Vinaphone và chủ động đề xuất lên Bộ TT&TT.


Y Lam






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn