Phát hiện bất ngờ: Chó tiến hóa cùng người


Chó không chỉ là người bạn trung thành nhất của loài người. Chúng có thể đã đồng hành cùng chúng ta trong quá trình tiến hóa.


Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy, chó nhà đã tách khỏi giống sói xám khoảng 33.000 năm trước đây và kể từ đó, bộ não và các cơ quan tiêu hóa của chúng đã tiến hóa theo những cách rất giống với não và cơ quan của con người.


chó, tiến hóa, người bạn, đồng hành, loài người, quá trình


Nghiên cứu này cũng cho rằng, con người có thể đã thuần hóa loài chó từ cách đây rất lâu. Ngoài ra, một môi trường sống chung đã chi phối sự tiến hóa của cả người và chó trong suốt hàng ngàn năm.


Không rõ chính xác từ khi nào loài sói đã được thuần hóa và dần trở thành người bạn thân nhất của con người. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi sôi nổi nhất hiện nay.


Sau khi một hộp sọ cổ giống của loài chó được phát hiện ở vùng núi Siberia, người ta cho rằng những con chó đầu tiên đã được thuần hóa từ sói xám cách đây khoảng 33.000 năm. Tuy nhiên, quá trình phân tích di truyền học lại cho rằng giống chó ở Trung Quốc được thuần hóa chỉ khoảng 16.000 năm trước đây.


Trong mọi trường hợp, hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng khoảng 10.000 năm trước, chó đã xuất hiện trong cuộc sống của con người.


Một số nghiên cứu cho rằng những chú chó hoang ở miền Nam Trung Quốc có thể là những chú chó thuần hóa đầu tiên.


Để hiểu được quá trình thuần hóa này, nhà nghiên cứu di truyền học Guo-dong Wang của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cùng các cộng sự đã phân tích DNA của bốn con sói xám, ba chú chó bản địa Trung Quốc và một chú chó chăn cừu của Đức, một chó Malinois của Bỉ và một con chó ngao Tây Tạng.


Kết quả phân tích DNA cho thấy sói xám tách ra khỏi chó bản địa Trung Quốc từ khoảng 32.000 năm trước.


Các nhà nghiên cứu nhận định: “Chó bản địa Trung Quốc có thể là mắt xích còn thiếu trong quá trình con người thuần hóa loài chó”.


Sau đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh các gen tương ứng ở chó và con người. Họ nhận thấy cả hai loài đều trải qua những sự thay đổi tương tự đối với những gen chịu trách nhiệm về hoạt động tiêu hóa và trao đổi chất, chẳng hạn như gen điều khiển quá trình vận chuyển cholesterol.


Những thay đổi này có thể do sự thay đổi đáng kể trong tỷ lệ thức ăn từ động vật hoặc thực vật xảy ra ở cả hai loài vào cùng thời điểm, các nhà nghiên cứu cho biết.


Báo cáo nghiên cứu có đoạn viết: “Vì sự thuần chủng thường gắn liền với tốc độ gia tăng lớn về mật độ dân số và điều kiện sống đông đúc, những môi trường “không thuận lợi” có thể là áp lực chi phối sự tiến hóa của cả hai loài”.


Theo NLĐ






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn