Hình minh họa kính thiên văn Kepler trong vũ trụ. Ảnh: wired.com. |
4 bánh răng giúp Kepler định hướng trong vũ trụ. Nhưng tháng 7 năm ngoái một bánh răng hỏng. Tới tháng 1 năm nay, một bánh răng nữa bắt đầu trục trặc. Do kính Kepler chỉ có thể định hướng chính xác nếu ba bánh răng hoạt động bình thường nên Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã để Kepler ngừng hoạt động để các chuyên gia của họ khắc phục sự cố.
Nhưng, bất chấp nỗ lực của họ, Kepler tự kích hoạt chế độ an toàn vào ngày 12/5. Chế độ an toàn được thiết kế để kính ngừng mọi hoạt động nếu một sự cố phát sinh. Sau đó Kepler ngừng chuyển động và cũng không phản ứng trước những nỗ lực tái khởi động nó từ mặt đất, Newscientist đưa tin.
"Thật không may, Kepler không ở nơi tôi có thể tới và cứu nó", John Grunsfeld, một cựu phi hành gia đang làm việc cho NASA, phát biểu.
Từ khi bay lên vũ trụ vào năm 2009, kính Kepler đã theo dõi 150.000 ngôi sao gần chòm sao Cygnus và phát hiện 132 hành tinh ngoài hệ mặt trời. Ngoài ra nó còn tìm thấy khoảng 3.000 thiên thể có khả năng là hành tinh. Dữ liệu của nó đã thay đổi quan điểm của giới khoa học về thiên hà và khả năng tìm thấy hành tinh có môi trường phù hợp với sự sống. Chẳng hạn, nhờ Kepler mà giờ đây các nhà thiên văn tin rằng vô số những hành tinh giống trái đất đang tồn tại trong vũ trụ. Thậm chí một hành tinh như thế chỉ cách trái đất khoảng 6,5 năm ánh sáng.
Minh Long
Nguồn : VNExpress