Chính phủ Ecuador đầu tư 700.000 USD để phóng vệ tinh nhân tạo Pegasus lên quỹ đạo trái đất hồi tháng 4. Ảnh: info.ec. |
Pegasus, vệ tinh đầu tiên và duy nhất của Ecuador, có hình dạng giống khối lập phương với chiều dài mỗi cạnh là 10 cm. Vệ tinh này - có khối lượng 1,2 kg - được phóng lên tại Trung Quốc hôm 25/4. Nó bay ở độ cao 650 km để truyền những hình ảnh mà nó chụp về trái đất, đồng thời phát quốc ca Ecuador.
Vài ngày trước Pegasus đâm trúng một đám bụi từ một tên lửa đẩy cũ do Liên Xô phóng lên vũ trụ từ năm 1985, BBC đưa tin.
EXA thông báo vệ tinh của họ vẫn di chuyển trên quỹ đạo sau khi đâm trúng đám bụi, nhưng các tấm pin mặt trời của nó hứng chịu thiệt hại.
"Ăng-ten của Pegasus mất hướng và nó đang xoay loạn xạ theo hai trục", Ronnie Nader, giám đốc EXA, thông báo.
Nader xác nhận vệ tinh không thể gửi hay nhận tín hiệu, song ông hy vọng các chuyên gia của EXA sẽ liên lạc được với nó.
"Chúng tôi vẫn đang làm việc tích cực để ổn định chuyển động của Pegasus và thu lại tín hiệu của nó", EXA khẳng định.
Vụ tai nạn diễn ra trong bối cảnh EXA muốn phóng vệ tinh nhân tạo thứ hai vào tháng 8 năm nay. Hàng nghìn người dân Ecuador đã sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự ủng hộ đối với EXA. Tuy nhiên, một số người cho rằng việc chính phủ đầu tư 700.000 USD vào vụ phóng Pegasus là một sai lầm.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ (với chiều dài từ 1 mm trở lên) đang bay quanh trái đất. Chúng là các vệ tinh ngừng hoạt động, bộ phận của tên lửa, mảnh vỡ và nhiều loại linh kiện. Khoảng 30.000 rác vũ trụ có chiều dài lớn hơn 10 cm. Radar có thể phát hiện chúng, song không thể phát hiện những mảnh rác nhỏ hơn.
Trong hội thảo về Rác vũ trụ lần thứ 6 tại thành phố Darmstadt, Đức hồi tháng 4, các chuyên gia cảnh báo rằng tần suất va chạm giữa các vệ tinh nhân tạo, phi thuyền với rác vũ trụ sẽ tăng vọt trong tương lai. Các mô hình cho thấy số lượng rác vũ trụ có chiều dài trên 10 cm sẽ tăng 30% trong vòng 200 năm tới. Với đà tăng này, cứ 5 tới 9 năm, con người sẽ chứng kiến một vụ va chạm giữa vệ tinh nhân tạo với rác vũ trụ ở quỹ đạo thấp của địa cầu (dưới 2.000 km so với mặt đất).
Minh Long
Nguồn : VNExpress