Con người phải nói dối để tiến hóa










Lời nói dối giúp con người phát triển chứ không nguy hại như đối với Pinocchio. Ảnh: The week
Lời nói dối giúp con người phát triển chứ không nguy hại như đối với Pinocchio. Ảnh: Thinkstock/The week.

Hai nhà khoa học Luke McNally và Andrew L. Jackson của Đại học Trinity ở Dublin, Ireland vừa công bố công trình nghiên cứu đáng chú ý về vai trò của nói dối đến sự phát triển của loài người.


Nhóm nghiên cứu phân tích hành vi của 24 loài linh trưởng khác nhau và nhận thấy hành vi lừa gạt thường gặp ở loài thường xuyên có sự hợp tác lẫn nhau.


Họ thấy rằng nói dối là chiến thuật được sử dụng bởi vượn và khỉ bất cứ khi nào cần một hành vi hợp tác ở cấp độ cao. Động vật linh trưởng càng hợp tác với nhau thì khả năng nói dối càng nhiều.


Sự tương quan giữa hợp tác và nói dối cho thấy hợp tác là yếu tố quan trọng khiến con người lựa chọn nói dối trong quá trình tiến hóa.


Nhóm nghiên cứu khẳng định: "Lời nói dối khôn khéo hay sự miêu tả sai lệch tình trạng của thế giới cho một người khác, có thể giúp kẻ "lừa đảo” có nhiều sự hợp tác từ phía người khác".


Làm việc cùng nhau con người mới đạt được những điều vĩ đại, từ xây dựng các tòa nhà chọc trời cho tới lập bản đồ các mạch thần kinh của bộ não con người.


Rob Brooks, tác giả nghiên cứu nói: "Chúng ta có thể coi sự hợp tác như một khía cạnh hiển nhiên của cuộc sống bởi mỗi con người là tổng hòa của các mối quan hệ. Nhưng để đạt được sự hợp tác lâu dài đòi hỏi mỗi người sẵn sàng đặt lợi ích của bản thân trong ngắn hạn sang một bên. Và điều đó không hề dễ dàng".


Trong hầu hết các xã hội, kể cả xã hội của kiến, ong, cá heo và khỉ… hành vi hợp tác đều có phần thưởng. Ngược lại, cá nhân nào đi lệch khỏi nhóm để theo đuổi lợi ích riêng sẽ bị trừng phạt. Thiên nhiên sẽ đảm bảo tất cả sinh vật hành động theo đúng quy luật.


Ông McNally cho biết: "Những lời nói dối vô hại giúp các cá nhân thiết lập các hình thức liên minh, có được thức ăn và người bạn đời. Điều này thường xuyên xảy ra trong tự nhiên. Một số loài nhện cũng biết lừa dối khi con đực tặng những món quà vô giá trị cho bạn tình tiềm năng".


Sự thật thường phức tạp, khó nói và gây ra những nỗi đau cần nhiều thời gian để xoa dịu, vì thế mới tồn tại những lời nói dối vô hại.


Chúng ta cũng dùng những lời nói dối hàng ngày để mọi việc được thuận lợi, đạt sự tin tưởng của đồng nghiệp, làm cho bản thân có giá hơn trong mắt người khác. Dù có thường xuyên hay không, chúng ta vẫn nói dối để gắn kết mình với người khác.


Tác giả của nghiên cứu đã viết rằng "suy cho cùng thì hành vi nói dối của con người là để tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ hợp tác lẫn nhau".


Theo Dân Việt







Nguồn : VNExpress

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn