Trên thực tế, điện thoại của Huawei vẫn chưa được nhiều người dùng Việt Nam biết đến, thậm chí khá mờ nhạt so với nhiều thương hiệu khác.
“Thị trường smartphone Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, và đó là cơ hội cho Huawei”. Tại trụ sở của Huawei ở thành phố Thẩm Quyến, ông Thomas Liu, Giám đốc nhóm kinh doanh Huawei Device khu vực Đông Nam Á của Huawei nhìn nhận như vậy về mục tiêu sắp tới của tập đoàn này tại Việt Nam.
Thị trường smartphone Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã hiện diện tất cả các thương hiệu lớn trên thế giới, ở mọi phân khúc khác nhau, và cạnh tranh vô cùng quyết liệt. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Huawei, lượng người dùng điện thoại smartphone ở Việt Nam còn rất ít, và trong 3 - 5 năm tới, lượng người dùng smartphone tại đây có thể tăng gấp 10 lần. Đến năm 2015, Huawei ước tính Việt Nam sẽ có khoảng 15 – 20 triệu người dùng smartphone.
Sau khi đã trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất tại Việt Nam, lộ trình tiến vào thị trường smartphone thông qua con đường “chính hãng” đang được Huawei thực hiện. Tập đoàn này đã lên kế hoạch quảng cáo sản phẩm và cho biết sẽ mở cửa hàng tại Việt Nam, sau đó sẽ mở các trung tâm, cơ sở bảo hành. Huawei đặt mục tiêu, trong năm 2013 sẽ bán được khoảng 400 nghìn điện thoại smartphone, chiếm 5% thị phần.
Ông Thomas Liu tự tin giới thiệu một số sản phẩm smartphone là “con ái chủ bài” trước mắt của Huawei, như Ascend D2 với màn hình Full HD 5 inch, mật độ điểm ảnh 443 pixel mỗi inch, pin 3.000 mAh, chip tốc độ 1,5 GHz, camera lên tới 13 megapixel, tức có thông số kỹ thuật ấn tượng hơn cả iPhone 5 và Galaxy S3.
Trên thực tế, điện thoại của Huawei vẫn chưa được nhiều người dùng Việt Nam biết đến, thậm chí khá mờ nhạt so với nhiều thương hiệu khác… Tuy nhiên, “Huwei đã có kinh nghiệm trong ngành viễn thông, giờ chuyển sang điện thoại cũng sẽ có những lợi thế nhất định. Chúng tôi cần thêm nhiều thời gian để người tiêu dùng hiểu rõ về thương hiệu”, ông Liu nói.
Trước đây, khi vào thị trường Việt Nam, đối với mảng thiết bị viễn thông, Huawei đã dùng chiến lược cạnh tranh bằng giá “siêu rẻ” để “đấu” lại với nhiều nhà cung cấp thiết bị viễn thông khác trên thế giới và chiếm lĩnh thị phần. Liệu hãng có tiếp tục chiến lược này với mảng thiết bị đầu cuối, trong đó tiêu điểm là sản phẩm smartphone?
Một mặt không thừa nhận chiến lược cạnh tranh bằng giá, mặt khác ông Thomas Liu nêu ra những lợi thế khác của Huawei tại Việt Nam, trong đó có việc hợp tác với một số nhà mạng trong nước để đưa thiết bị đầu cuối, bao gồm các sản phẩm smartphone ra thị trường.
Ngoài hợp tác với các nhà mạng, tập đoàn này cũng lên kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp nội dung (như điện thoại đã có tiếng Việt) để tối ưu hóa lợi thế cho sản phẩm.
“Tôi nghĩ khách hàng cũng sẽ sẵn sàng chấp nhận sử dụng các chính sách, dịch vụ của nhà mạng Việt Nam”, ông Liu ẩn ý về mối quan hệ của tập đoàn này với các nhà mạng Việt Nam để tiến vào thị trường smartphone.