CEO Tim Cook tại phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 21/5 - Ảnh: Business Week.
Điều trần trước Thượng viện Mỹ đêm 21/5 (giờ địa phương), Giám đốc điều hành Apple, ông Tim Cook, đã thằng thừng bác bỏ những cáo buộc cho rằng hãng công nghệ này đã trốn nộp thuế hàng tỷ USD.
"Chúng tôi đã thanh toán tất cả những khoản thuế khóa mà chúng tôi phải gánh, đến từng đồng một", Tim Cook nói. "Chúng tôi không lợi dụng các thủ thuật để trốn thuế, hay giấu tiền ở một đảo báu vật nào đó".
Phát biểu thẳng thắn của người đứng đầu Apple đã nhận được đánh giá tích cực từ giới đầu tư Phố Wall, song có vẻ chưa thuyết phục được các nhà điều tra.
Trước đó, hôm 20/5, ủy ban điều tra của Thượng viện Mỹ đã công bố một báo cáo, trong đó cáo buộc Apple đã che giấu lợi nhuận để bớt nộp thuế tại Mỹ và nước ngoài. Để làm được việc này, Apple sử dụng một mạng lưới chi nhánh ở nước ngoài để giảm mạnh mức thuế suất.
Theo giới phân tích, mặc dù Apple không phải là tập đoàn đa quốc gia duy nhất của Mỹ bị cơ quan điều tra nhòm ngó về việc sử dụng các công ty con để trốn thuế, song vấn đề thuế má của Apple bị chú ý bởi số tiền mà hãng bị cáo buộc che giấu là con số khổng lồ, và Apple luôn khẳng định họ là công ty nộp thuế nhiều nhất.
Báo cáo cho biết, nhiều công ty con của Apple ở nước ngoài hoàn toàn không có nhân viên hay hoạt động kinh doanh nào. Chúng được dựng lên là nhằm che giấu lợi nhuận cho Apple mà thôi. Hãng còn chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho các chi nhánh ở những quốc gia có mức thuế suất thấp.
Cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ cũng lần đầu tiên đưa ra cáo buộc cho rằng, những pháp nhân nước ngoài được thành lập từ rất lâu của Apple ở Ireland đã không đóng thuế ở Ireland hay bất cứ nơi nào khác. Công ty này thực hiện các giao dịch tài chính quốc tế chủ yếu dựa vào các pháp nhân mở tại châu Âu, nhằm được hưởng ưu đãi thuế thấp ở đó, theo báo cáo.
Trong đó, chi nhánh có tên gọi Apple Operations International (AOI) tại Ireland là có vai trò đáng kể nhất. Từ 2009-2012, AOI có doanh thu khoảng 30 tỷ USD, song không hề khai báo thuế ở Ireland, Mỹ hay quốc gia nào. Một công ty khác của Apple ở Ireland là Apple Sales International được cho là nộp có 0,05% thuế trên tổng doanh thu 22 tỷ USD năm 2011.
Kết quả cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ cũng đồng thời phát hiện được, số tiền thuế mà Apple nộp thấp hơn nhiều so với con số được tập đoàn này công bố công khai với Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC). “Apple đã lợi dụng sự khác biệt giữa luật thuế của Ireland và Mỹ", báo cáo điều tra của Thượng viện Mỹ nêu rõ.
Tuy nhiên, các điều tra viên cũng không xem hành vi của Apple là phạm pháp. Thượng nghị sĩ Carl Levin cho biết, qua cuộc điều tra này, họ muốn những người đóng thuế ở Mỹ hiểu được các lỗ hổng thuế bị các tập đoàn đa quốc gia khai thác đã khiến người dân phải chịu thêm gánh nặng thuế ra sao, cũng như làm trầm trọng thêm thâm hụt ngân sách liên bang thế nào.
Trả lời những cáo buộc của Thượng viện Mỹ, Apple cho rằng họ không lợi dụng các kẽ hở luật pháp Mỹ liên quan tới vấn đề chuyển lợi nhuận cho các công ty con, để tổ chức những quy trình tài chính trong công ty. Apple cho rằng, hệ thống thuế của Mỹ đã không theo kịp được sự phát triển của thời đại kỹ thuật số và sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu.
Hãng cũng khẳng định, việc thành lập các chi nhánh ở nước ngoài không phải để trốn thuế, mà bởi vì có tới 61% sản phẩm Apple được bán ở bên ngoài nước Mỹ, nên cần phải có sự hiện diện của các chi nhánh ở nước ngoài. Apple cũng khẳng định là họ đã đóng thuế đầy đủ tại các quốc gia bên ngoài lẫn các khoản thuế suất tương ứng tại Mỹ.