4 bước giáo dục để trẻ không ích kỷ


Sự ích kỷ thường thấy ở nhiều đứa trẻ nhưng là nét tính cách các bậc phụ huynh không mong muốn ở con cái mình.



Trẻ em lớn lên với ý nghĩ rằng, nhu cầu, ước vọng và ý kiến của chúng phải là quan tâm hàng đầu của mọi người, có thể sẽ hình thành tính ích kỷ. Những đứa trẻ ích kỷ cũng thường ít thỏa mãn hơn với cuộc sống và không sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh.


Vì vậy, cha mẹ cần phải giúp con cái phát triển ý thức chia sẻ, tinh thần cảm thông và hy sinh sự ích kỷ. Theo các chuyên gia, điều này có thể được thực hiện theo 4 bước như sau:











con cái, cha mẹ, tính ích kỷ, rộng lượng, dạy con
Hãy khen ngợi khi trẻ có hành động chia sẻ với người khác. Ảnh: Getty Images

1. Dạy con bạn nhận biết những gì người khác thích hoặc muốn


Khi con bạn chơi cùng bạn bè ngay tại nhà mình, hãy đề nghị bé để các bạn quyết định chúng sẽ chơi trò gì. Hãy yêu cầu con để các bạn của mình chơi trước. Nếu con bạn trong độ tuổi thanh thiếu niên, hãy khuyến khích con nhường lượt xếp hàng thanh toán tại cửa hàng tạp phẩm. Mặc dù ban đầu con bạn có thể tỏ ra miễn cưỡng nhưng việc trì hoãn thỏa mãn ý thích/muốn của mình vì nhu cầu của người khác sẽ giúp con bạn trở thành người có lòng trắc ẩn hơn.


2. Hãy là tấm gương rộng lượng cho con


Sự khuyến khích bằng lời nói là quan trọng, nhưng hành động còn có ý nghĩa hơn nhiều. Bạn có thường xuyên giúp đỡ bạn bè, người thân hoặc hàng xóm? Nếu không, hãy tìm cơ hội thực hiện điều đó. Con bạn luôn quan sát và sẽ bị ảnh hưởng bởi những gì chúng nhìn thấy. Thái độ của bạn cũng rất quan trọng. Hãy kể cho con bạn cảm giác tuyệt vời khi có thể giúp đỡ ai đó trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Hãy tìm một dự án tình nguyện, từ thiện mà bạn và con có thể tham gia cùng nhau, chẳng hạn như quyên góp quần áo, đồ cứu trợ cho trẻ ở vùng khó khăn, thăm hỏi người già cả, neo đơn, ...


3. Dạy cách phát triển sự cảm thông đối với người khác


Trẻ em cần phải nhận thức được các cảm giác của người khác và tưởng tượng chúng sẽ cảm thấy như thế nào nếu đặt vào vị trí của người khác. Hãy nêu ví dụ dựa vào những tình huống sẵn có hoặc thường xảy ra trong hiện tại. Chẳng hạn như, bạn có thể nói: "Bố/mẹ thấy trong lớp của con có một bạn mới. Bố/mẹ không biết bạn ấy sẽ cảm thấy như thế nào trong một môi trường mới mà chẳng có bạn bè thân thích. Con có thể làm gì đó để giúp bạn ấy cảm thấy bớt lạc lõng không?". Thường xuyên yêu cầu con của bạn suy nghĩ về cảm giác của chúng ở các cảnh huống nhất định sẽ giúp chúng nhạy cảm với nhu cầu và suy nghĩ của người khác.


4. Đôi khi nói không trước các đòi hỏi vật chất của con


Cha mẹ nuông chiều con cái vì nhiều nguyên do khác nhau. Có thể, họ muốn con cái mình có được những thứ mà hồi trẻ họ không có hoặc họ đang cố gắng bù đắp cho việc không thể hiện diện ở nhà thường xuyên hơn. Tuy nhiên, đáp ứng mọi yêu cầu của con sẽ chỉ khiến chúng tin rằng chúng xứng đáng có mọi thứ mình muốn và rằng mọi người luôn phải quan tâm tới ước nguyện của chúng. Để con không có những ý nghĩ ích kỷ như vậy, cha mẹ cần phải biết nói không trước một số đòi hỏi về vật chất của chúng.


Tuấn Anh(theo Global Post)






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn