Trở thành nạn nhân trong làn sóng sa thải khắp ngành công nghệ Mỹ vào hồi tháng 7, kỹ sư phần mềm Julian Joseph, cựu nhân viên của Saleforces đã dùng AI tự động rải hơn 5.000 đơn xin việc. Kết quả, anh nhận được 20 lời đề nghị phỏng vấn.
Cụ thể, Joseph đã trả 250 USD cho để sử dụng LazyApply với dịch vụ Job GPT vận hành bằng AI, trọn đời không giới hạn. Joseph chỉ cần cung cấp thông tin cơ bản về kỹ năng làm việc, kinh nghiệm và vị trí mong muốn, ứng dụng sẽ tự động nhập lượng lớn đơn xin việc trên những trang như LinkedIn và Indeed nhắm tới những công việc phù hợp với yêu cầu của anh và tự động nộp hàng nghìn đơn xin việc chỉ trong một cú click chuột.
Để tăng cường mức độ hiệu quả của công việc này, Joseph còn cài đặt ứng dụng trên một laptop khác của bạn mình và để chúng tự động chạy liên tục trong một đêm. Thật đáng kinh ngạc, sáng hôm sau khi tỉnh dậy, anh nhận thấy con bot này đã tự động nộp đơn cho 1.000 công việc khác nhau.
Tuy nhiên, đây không phải công cụ hoàn hảo. Nó đoán mò câu trả lời cho một số câu hỏi trong đơn xin việc, và nhiều lúc đưa ra những kết quả gây nhầm lẫn. Kết quả, Joseph nhận được 20 lời mời phỏng vấn, sau khi công cụ gửi đi hơn 5.000 đơn xin việc, tỷ lệ thành công 0,5%. So với việc trước đây anh cũng từng nhận được 20 cuộc phỏng vấn khi tự nộp đơn cho 200-300 vị trí khác nhau, xác suất thành công như vậy là quá thấp, nhưng anh cho biết nó giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian.
Các nhà tuyển dụng đang cảnh giác với nguy cơ bot tràn ngập cổng thông tin tìm nhân lực của họ. Christine Nichlos, CEO công ty tìm kiếm nhân tài People Science, kể về sự tồn tại của Job GPT và lập tức nhận được nhiều tiếng than thở từ bộ phận tuyển dụng. Bà và nhiều người coi việc sử dụng AI là dấu hiệu cho thấy ứng viên không nghiêm túc xin việc. Bên cạnh đó, một số người khác tỏ ra ít lo ngại hơn. "Tôi không quan tâm đơn xin việc đến tay mình thế nào, miễn là người nộp có năng lực", Emi Dawson, lãnh đạo công ty tuyển dụng NeedleFinder Recruiting, cho hay.
LazyApply cũng không phải đại diện duy nhất trong lĩnh vực kinh doanh mới nổi này. Một công ty có tên Sonara khác cũng cung cấp dịch vụ tương tự với mức phí 80 USD/tháng để giúp người dùng hoàn thành tự động tới 420 đơn xin việc và các khuyến nghị công việc được đưa ra từ cơ sở dữ liệu của công ty. Người dùng cũng có thể huấn luyện thuật toán về ưu tiên của mình thông qua các thao tác “thích” hay “không thích” công việc nào đó.
Với mức phí 39 USD/tháng, một dịch vụ tương tự Massive sẽ giúp người dùng tự động nộp đơn xin việc cho 50 vị trí mỗi tuần. Điểm khác biệt là dịch vụ này sẽ có người hỗ trợ để đánh giá các đơn xin việc để đảm bảo mức độ chính xác.