Hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Pháp - Nhân Dân


Trong khuôn khổ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, mới đây, tại Pa-ri (Pháp) diễn ra lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ hợp tác về khoa học và công nghệ (KH và CN) giữa Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST). Tại đây, hai bên đã ký các chương trình tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác KH và CN đến năm 2015 và các năm xa hơn.




Sau Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ bảy (1997) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, hai bên đã tổ chức hàng loạt hoạt động, trong đó có Hội thảo về Hợp tác khoa học vì sự phát triển bền vững và nhất là lớp học chuyên đề Pháp - Việt tại Ðồ Sơn diễn ra hằng năm. Kể từ năm 1998 đến nay, đây là mô hình lớp học được hình thành và duy trì dựa trên mô hình lớp học vật lý Houches tại Pháp trước đó. Với hình thức đồng tài trợ, 14 lớp học chuyên đề Pháp - Việt tại Ðồ Sơn quy tụ các chuyên gia người Pháp và cán bộ KH và CN Việt Nam không chỉ đến từ các Viện nghiên cứu thuộc VAST mà còn từ các trường đại học và tổ chức khoa học khác trong nước. Tại đây, với trí tuệ tập thể, những giáo sư người Pháp và học viên người Việt Nam thảo luận, thậm chí là tranh luận nhằm giải quyết một vấn đề phức tạp trong chuyên đề được đề cập. Theo phương pháp này, căn cứ nhu cầu hằng năm của VAST, hàng chục lĩnh vực đã được các chuyên gia của CNRS giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm như: Tài nguyên, chất lượng và xử lý nước ô nhiễm, hay Bảo vệ chống ăn mòn (năm 1999); Quản lý và xử lý chất thải rắn (2002); Các hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học (2003); Vấn đề đa phương tiện (2005); Tài nguyên sinh học biển và ứng dụng của chúng (2009); Các phương pháp toán học trong tài chính và kinh tế (2011); Ða dạng sinh học trong khu vực nhiệt đới (2012)... Giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Chủ tịch VAST và Giáo sư A-lanh Phu-xít, Chủ tịch CNRS đều cho rằng, lớp học chuyên đề Pháp - Việt tại Ðồ Sơn là chương trình hợp tác có hiệu quả. Các lớp học này không chỉ giúp đào tạo cho Việt Nam khoảng 100 cán bộ đạt trình độ cao (thạc sĩ và tiến sĩ), mà thông qua đó còn triển khai không ít đề tài, dự án góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về môi trường ở nước ta như: Xử lý nước ô nhiễm sông Tô Lịch và sông Nhuệ; quan trắc môi trường sông Ðáy; bảo vệ và chống ăn mòn... và hàng chục đề tài nghiên cứu cơ bản khác.


Một sự kiện quan trọng đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ hợp tác KH và CN Việt - Pháp, đó là việc phóng thành công vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1) đầu tháng 5 vừa qua. Ðây là dự án hợp tác giữa VAST với Công ty EADS Astium, Arianespace trong việc nghiên cứu, chế tạo và phóng vệ tinh VNREDSat-1. Ðược triển khai từ năm 2010, dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư 55,8 triệu ơ-rô bằng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và vốn đối ứng hơn 64,8 tỷ đồng của Việt Nam. Trong hơn ba năm, cùng với việc đào tạo giúp Việt Nam 15 cán bộ thuộc lĩnh vực công nghệ cao là công nghệ vũ trụ, đúng 9 giờ 6 phút (giờ


Việt Nam) ngày 7-5-2013, vệ tinh VNREDSat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Câu-râu, Guy-a-na thuộc Pháp. VNREDSat-1 là vệ tinh quang học có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất, trong đó nhiệm vụ chính là chụp lãnh thổ Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta sẽ chủ động thu được một phần nguồn ảnh viễn thám, phục vụ công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và các nhu cầu khác trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Các cán bộ Viện Công nghệ vũ trụ cho biết, trong hơn hai tháng được phóng lên quỹ đạo, vệ tinh VNREDSat-1 từng bước hoạt động ổn định, đồng thời đã chụp được hàng trăm bức ảnh về các khu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam có độ phân giải cao. Theo kế hoạch, sau ba tháng được phóng lên (vào đầu tháng 8 tới), phía Pháp sẽ bàn giao toàn bộ dự án VNREDSat-1 cho VAST quản lý. Ðại diện Công ty Astium khẳng định, với đội ngũ cán bộ, kỹ sư được đào tạo ở nước ngoài, Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm chủ việc vận hành, khai thác và sử dụng sản phẩm của vệ tinh VNREDSat-1.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn