Polymer phát quang giúp phát hiện chất nổ - Báo Khoa học


Giờ đây, việc phát hiện bom ở những nơi công cộng như sân bay hay nhà ga sẽ trở nên dễ dàng hơn nhờ vào một loại polymer phát quang mới do nhà hóa học William Dichtel và nghiên cứu sinh Deepti Gopalakrishnan thuộc Đại học Cornell (Mỹ) phát triển.


Nhà hóa học Dichtel (trái) và học trò giới thiệu mẫu polymer phát hiện chất nổ.

Nhà hóa học Dichtel (trái) và học trò giới thiệu mẫu polymer phát hiện chất nổ.


Thông thường, cấu trúc liên kết ngẫu nhiên của polymer cho phép nó hấp thụ ánh sáng, truyền tải năng lượng và cuối cùng là giải phóng năng lượng đó thành ánh sáng. Nhưng với tấm polymer đặc biệt này, nguồn năng lượng sẽ được tạo ra ngay cả khi nó tiếp xúc với một phân tử duy nhất của chất nổ và được giải phóng thành nhiệt thay vì ánh sáng. Điều đó khiến tấm polymer ngừng phát sáng ngay lập tức – dấu hiệu để các chuyên gia nhận biết sự hiện diện của chất nổ.


Tấm polymer phát quang này được chế tạo đặc biệt để phát hiện các phân tử RDX, một loại thuốc nổ rất mạnh thường được sử dụng bởi những kẻ khủng bố, không chỉ trên các bề mặt mà ngay cả ở trong không khí. Thử nghiệm của hai chuyên gia cho thấy loại polymer này không phản ứng với các chất trong hóa mỹ phẩm như son môi và kem chống nắng, nên đảm bảo nó không báo động sai.


Họ hy vọng vật liệu mới có thể được tích hợp trong các cảm biến cầm tay rẻ tiền để sử dụng thay cho những con chó nghiệp vụ chuyên đánh hơi bom.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn