Thực vật cũng biết làm toán


Các nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc khi phát hiện, cây cối cũng có thể thực hiện những phép tính số học phức tạp, một khả năng giúp chúng điều phối các nguồn dự trữ thức ăn.















thực vật, cây cối, tính toán, phép tính, làm toán
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm với cây Arabidopsis, một loài sinh vật mẫu. Ảnh: SPL

Theo báo cáo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí e-Life, vào ban đêm, khi thực vật không thể sử dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để chuyển hóa cácbon điôxít thành đường và tinh bột, chúng phải điều phối lượng tinh bột dự trữ để đảm bảo có thể đủ tiêu dùng tới tận lúc bình minh.


Các thí nghiệm đối với cây Arabidopsis, một loài sinh vật mẫu, do nhóm nghiên cứu đến từ Trung tâm John Innes ở Norwich, Anh tiến hành cho thấy, để điều chỉnh lượng tinh bột tiêu thụ một cách chuẩn xác, cây cối chắc chắn đã phải thực hiện một phép chia số học.


"Chúng thực sự phải làm toán theo một cách đơn giản, có liên quan đến các chất hóa học trong lá cây", giáo sư Alison Smith, người đứng đầu nghiên cứu, nói.


Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công thức toán để tìm hiểu xem phép chia có thể được thực hiện bên trong một cái cây như thế nào. Vào ban đêm, hệ thống bên trong lá cây sẽ đo quy mô dự trữ tinh bột. Thông tin về thời gian do một đồng hồ bên trong cây, tương tự như đồng hồ sinh học của cơ thể người, cung cấp.


Quá trình tính toán được cho là có sự dàn xếp của việc tập trung 2 loại phân tử "S" (viết tắt cho tinh bột) và "T" (viết tắt cho thời gian). Nếu các phân tử S kích thích làm sụt giảm tinh bột trong lúc các phân tử T ngăn chặn quá trình này xảy ra, khi đó tỉ lệ tiêu thụ tinh bột do tỉ lệ các phân tử S/T quyết định.


Các nhà nghiên cứu tuyên bố, đây là ví dụ cụ thể đầu tiên trong sinh vật học về khả năng tính toán số học phức tạp đến như vậy. Giới khoa học tin rằng, động vật có thể cũng có các cơ chế như vậy, chẳng hạn như các loài chim phải kiểm soát nguồn dự trữ mỡ trong khi di trú suốt những quãng đường dài hoặc khi chúng bị giảm bớt nguồn thức ăn trong thời gian ấp trứng.


Bình luận về nghiên cứu trên, tiến sĩ Richard Buggs thuộc Đại học Queen Mary (Anh) nhận định: "Đây không phải là bằng chứng về trí thông minh của thực vật. Nó đơn giản cho thấy, cây cối có một cơ chế tự động điều phối tốc độ đốt cháy cácbon hyđrat vào ban đêm. Thực vật không tính toán một cách tự nguyện và có mục đích trong trí não như con người".


Tuấn Anh(Theo BBC)






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn