Siêu thực phẩm kỳ lạ - Báo Khoa học


Khi quan sát thế giới động vật, giới khoa học mới giật mình phát giác không ít con cái thường hấp thu luôn tinh trùng của con đực sau khi quan hệ với mục đích… tẩm bổ.


Cuộc chiến giữa hai giới tính khác nhau trong thế giới động vật vừa lộ diện thêm một khía cạnh mới, sau khi các chuyên gia phát hiện có những con cái ở một số giống loài thường xuyên nuốt sạch tinh trùng của bạn tình sau khi quan hệ. Trong trường hợp này, tinh trùng trở thành một dạng thực phẩm bất thường, bổ sung chất dinh dưỡng cho bản thân con cái và trứng của chúng, theo báo cáo đăng trên chuyên san Biology Letters. “Nếu sản phẩm của con đực bị nuốt mất thay vì dùng để thụ tinh, coi như chúng đã mất toi cơ hội lưu truyền nòi giống. Do đó, các con đực phải tìm mọi cách để bảo đảm rằng cũng có một số lượng dù ít ỏi “hạt giống” được chuyển giao đúng địa chỉ, tức gặp trứng”, theo giải thích của trưởng nhóm Benjamin Wegener thuộc Đại học Monash (Úc).


Siêu thực phẩm kỳ lạ

Mực ống Sepiadarium austrinum - (Ảnh: Museum Victoria)


Chuyên gia Wegener cho hay việc hấp thu tinh trùng sau khi giao hợp đã được ghi nhận hết sức đầy đủ trong vô số loài. Và con người cũng không ngoại lệ, nhưng tất nhiên hành vi trên được liệt vào hành động bất thường, tức không nằm trong chu trình thông thường của quá trình sinh sản. Theo Trường Y thuộc Đại học Columbia (Mỹ), tinh trùng người chứa đường fructose, nước, a xít ascorbic (còn gọi là vitamin C), a xít xitric, các men enzyme, protein, kẽm và nhiều chất khác. Do vậy, các chuyên gia không hề đùa khi nói rằng đây là danh sách những thành phần cần thiết của thức uống năng lượng dùng trong thể thao.


Việc hấp thu tinh trùng trong thế giới động vật còn ít hơn ở người, theo chuyên gia Wegener. Những loài có thói quen này bao gồm ruồi ăn xác chết, ruồi cánh hoa văn, một loài sinh vật biển không xương sống gọi là Spadella cephaloptera, một loài đỉa, mực ống Sepiadarium austrinum... Đặc biệt, hành vi đó xuất hiện phổ biến trong loài mực, đối tượng chính của cuộc nghiên cứu. Wegener và đồng sự đã phát hiện được thói quen trên ở mực cái và theo dõi sự chuyển hóa vật chất di truyền thành chất dinh dưỡng, nói trắng ra là thức ăn. Đây cũng là lần đầu tiên hiện tượng trên được quan sát ở một cá thể cái ở trường hợp thụ tinh ngoài.


Chuyên gia Wegener cho hay trường hợp trên là sự khác biệt quan trọng so với thụ tinh trong, khi đó vẫn còn một số lượng đủ tinh trùng cho việc thụ thai. “Đối với kẻ thụ tinh ngoài với thời gian trữ tinh trùng ngắn ngủi, nếu con cái không phối hợp đẻ trứng kịp lúc, con đực sẽ mất cơ hội thụ tinh”, ông phân tích. Để tránh trường hợp bị tước đoạt “công khó”, tự nhiên đã phú cho tinh trùng mực cũng như vật chất di truyền của những loài vật khác chứa nhiều hợp chất kích thích sự sản sinh trứng ở đối tác. Cho đến nay, các chuyên gia đã xác định được hơn 80 protein chứa trong tinh trùng có chức năng giảm khả năng giao phối ngay lập tức sau khi xong việc, khuyến khích “nàng” đẻ trứng sớm hơn, kích thích sự rụng trứng và ảnh hưởng đến thời gian lưu trữ tinh trùng cũng như khả năng thụ tinh của trứng. Trong khi đó, con cái lại tập luyện để có thể kiểm soát được chuyện muốn ăn tinh trùng hay là để dành đấy cho thế hệ sau.


Từ những trường hợp trên, giới khoa học gia đồn đoán rằng có vẻ như con cái có thể chọn lựa ăn tinh trùng từ các đối tác chẳng mấy hấp dẫn về mặt tính dục, và để dành trứng cho những chàng thể lực sung mãn và hứa hẹn có “giống” tốt hơn, nhằm đảm bảo sẽ cho ra đời những hậu duệ khỏe mạnh nhất.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn