Sao Hỏa có dưỡng khí trước địa cầu











Khí oxy từng tồn tại trong bầu khí quyển sao Hỏa khoảng 4 tỷ năm trước. Ảnh: blogspot.com.
Khí oxy từng tồn tại trong bầu khí quyển sao Hỏa khoảng 4 tỷ năm trước. Ảnh: NASA.

Guardian đưa tin các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) so sánh các thiên thạch từng rơi xuống trái đất từ sao Hỏa với dữ liệu từ những viên đá mà thiết bị thăm dò tự hành Spirit Mars thu thập trên sao Hỏa. Họ nhận thấy nhiều khác biệt lớn về thành phần hóa học trong hai nhóm đá. Những khác biệt ấy được tạo nên bởi sự tồn tại của khí oxy trong khí quyển sao Hỏa.


Những viên đá trên sao Hỏa mà Spirit Mars phân tích có niên đại tới 3,7 tỷ năm. Kết quả phân tích cho thấy chúng từng tiếp xúc với khí oxy trước khi chìm vào lòng đất. Ngược lại, những thiên thạch sao Hỏa trên trái đất nằm trong lòng đất trước khi bật lên bởi sự phun trào núi lửa rồi lao xuống địa cầu. Do nằm trong lòng đất nên chúng không tiếp xúc với khí oxy.


Phát hiện mới là một tin vui đối với những người tin rằng sự sống từng tồn tại trên sao Hỏa. Trên trái đất, oxy xuất hiện dần dần trong bầu khí quyển nhờ những vi khuẩn có khả năng quang hợp (sử dụng ánh sáng để tạo dưỡng chất và thải ra khí oxy). Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không biết chắc cơ chế tương tự từng diễn ra trên sao Hỏa hay không. Họ phỏng đoán oxy có thể được tạo ra nhờ vi khuẩn quang hợp hoặc bởi phản ứng hóa học nào đó trong khí quyển.


"Sao Hỏa từng sở hữu một bầu khí quyển giàu oxy khoảng 4 tỷ năm trước, nghĩa là rất lâu trước khi oxy xuất hiện trên địa cầu cách đây khoảng 2,5 tỷ năm. Rất có thể sao Hỏa là một hành tinh ẩm ướt, ấm áp trước khi oxy chiếm tỷ lệ lớn trong bầu khí quyển trái đất", giáo sư Bernard Wood, một nhà nghiên cứu của Đại học Oxford tại Anh, phát biểu. Ông là trưởng nhóm nghiên cứu bầu khí quyển sao Hỏa.


Nghiên cứu của Wood và các cộng sự được công bố trên tạp chí Nature.


Minh Long









Nguồn : VNExpress

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn