"Khoa học và quê hương chính là lẽ sống của đời tôi" - Đài Tiếng Nói Việt Nam

Đó là lời khẳng định của Giáo sư Jean Trần Thanh Vân, tác giả của hơn 300 công trình khảo luận, hơn 100 cuốn sách vật lý đã xuất bản...



Giáo sư Jean Trần Thanh Vân sinh năm 1936 tại Đồng Hới (Quảng Bình). Ông học trung học tại Huế, tốt nghiệp cử nhân vật lý năm 1957, tiến sĩ vật lý năm 1963 tại Paris (Pháp) với bản luận án xuất sắc nêu rõ rằng hạt proton không phải là "viên gạch cuối cùng” của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều "viên gạch” còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau được biết chính là các hạt quark).


Ông cũng là tác giả của hơn 300 công trình khảo luận và là tác giả của 115 đầu sách khoa học vật lý đã xuất bản, phát hành ở nhiều quốc gia công nghiệp tiên tiến trên khắp thế giới…









Giáo sư Jean Trần Thanh Vân



Với phương châm "luôn luôn tự học, luôn luôn sẵn sàng để nắm bắt cơ hội”, dù được học tập, nghiên cứu trong một môi trường giáo dục ưu việt của nước Pháp, nhưng Trần Thanh Vân luôn tự nhủ phải phấn đấu liên tục, để làm sao cả thế giới biết đến công trình của mình và ông đã không ngừng đạt được những thành công trong ngành vật lý hạt cơ bản. Không chỉ tham gia giảng dạy tại trường Đại học Paris, mà ông còn là nghiên cứu viên cao cấp danh dự của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp, từng được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh; được Viện Hàn lâm Nga bầu làm Viện sĩ và tặng bằng Tiến sĩ khoa học danh dự… Viện Vật lý Hoa Kỳ đã đánh giá về GS Trần Thanh Vân như sau: Ông là người có công lao to lớn suốt 4 thập niên tập hợp các nhà vật lý thuộc nhiều quốc tịch cùng ngồi lại bên nhau trong tình thân ái thông qua các chương trình Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam và là người đã hoạt động không mệt mỏi nhằm góp phần xây dựng một cộng đồng khoa học hiện đại ở Việt Nam”.


Cùng với GS Nguyễn Văn Hiệu, GS Trần Thanh Vân đã tổ chức nhiều lần chương trình Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt và vật lý thiên văn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. GS Trần Thanh Vân cho biết: "Những hội nghị quốc tế này được xem như chiếc cầu nối để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới với Việt Nam, qua đó giúp cho các nhà khoa học Việt Nam chúng ta dễ dàng tiếp cận với các nền khoa học về thiên văn và vũ trụ của thế giới; khuyến khích tranh luận về quan điểm để từ đó làm nảy sinh các ý tưởng sáng tạo…”. Ông còn là người sáng lập Trường Vật lý Việt Nam tập hợp nhiều nhà nghiên cứu trẻ không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước và vùng lãnh thổ Châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Bangladesh.


Mặc dù cả hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân và vợ là GS Lê Kim Ngọc luôn thành công với khoa học quốc tế nhưng thâm tâm họ vẫn luôn đau đáu, dạt dào tình cảm với quê hương. Thậm chí hai ông bà đã dành thời gian giữa mùa đông đầy tuyết ở thủ đô Paris hoa lệ rao bán từng tấm thiệp Noel để gom góp từng đồng bạc mang về quê hương xây dựng các làng trẻ SOS như Làng Trẻ em SOS Đà Lạt, Đồng Hới và Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thuỷ Xuân (Huế), giúp nuôi nấng không biết bao nhiêu mảnh đời mồ côi. Ngoài ra, hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân còn kêu gọi Quỹ học bổng Odol Valell tài trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học Việt Nam mỗi năm hàng tỷ đồng.


Vào ngày 30/5 vừa qua, tại thành phố Blois thuộc miền Trung nước Pháp, cách thủ đô Paris khoảng 200km, đã diễn ra cuộc gặp gỡ Blois lần thứ 25 mang tên "Vật lý hạt và vũ trụ học” do GS Trần Thanh Vân chủ trì, thu hút sự tham gia của 144 đại diện đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, CHLB Đức, Italy, Nga, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Nhật, Canada, Ấn Độ, Bỉ, Brazil, Ba Lan... Cũng ở hội nghị này, các đại biểu đã nghe GS Trần Thanh Vân trình bày về dự án xây dựng "Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành” có quy mô 18,4 ha tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, với tổng mức đầu tư khoảng 6 triệu USD. Những hạng mục công trình lớn bao gồm trung tâm hội nghị quốc tế với trang thiết bị hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao tầng, khu vui chơi, giải trí, thư viện, phòng thí nghiệm… dự kiến chính thức khánh thành và đi vào hoạt động từ trung tuần tháng 8/2013 tới cùng lúc với sự kiện "Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 9”.


GS Trần Thanh Vân cho biết: "Đây là thành quả lớn sau hơn 20 năm nỗ lực của vợ chồng tôi cùng những người bạn làm khoa học. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, nơi đây là một điểm sáng trong khu vực, với các đối tác lớn là các trung tâm nghiên cứu vật lý hàng đầu thế giới, từ đó sớm có đóng góp cho nền khoa học nước nhà, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế… Nói tóm lại, khoa học và quê hương chính là lẽ sống của đời tôi!”./.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn