Bằng đại học đang dần vô giá trị với Google

Phòng giải trí tại trụ sở của Google ở thành phố Zurich, Thụy Sỹ - Ảnh: Business Insider.




Sau nhiều năm đánh giá dữ liệu đầu vào, hãng tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới nhận ra rằng, bằng tốt nghiệp đại học hay học bạ hầu như không có giá trị trong việc tuyển dụng nhân sự, trang Business Insider cho hay.


Bằng chứng là, ngày càng có nhiều nhân viên của Google chưa từng bước chân vào trường đại học. Thậm chí, trả lời phỏng vấn tờ New York Times mới đây, Phó chủ tịch Google phụ trách vấn đề nhân sự còn nói rằng, xu hướng tuyển dụng người chưa có bằng đại học đã tăng lên và Google cũng thôi không hỏi học bạ của các ứng viên dự tuyển vào hãng.

"Điều thú vị là số nhân viên Google không bằng đại học đã tăng lên theo thời gian. Do đó, có những nhóm làm việc tại Google mà 14% nhân sự trong dó chưa từng học đại học", Phó chủ tịch Google, Lazlo Bock, cho biết.


Theo ông, "môi trường học thuật là bối cảnh không tự nhiên". Ở trường, mọi người được đào tạo đưa ra những câu trả lời cụ thể. "Sẽ thú vị hơn nhiều khi giải quyết vấn đề mà không có một câu trả lời rõ ràng nào", ông nói.


Sau 2 hoặc 3 năm được tuyển dụng vào Google, bằng cấp của một nhân viên trở nên "hoàn toàn không liên quan" tới hiệu suất làm việc của người đó tại hãng, bởi các kỹ năng mà họ được học hoàn toàn khác biệt. Bản thân các nhân viên này cũng thay đổi để thích ứng với yêu cầu thực tế đặt ra.


Tuy vậy, phần lớn nhân sự được Google tuyển dụng vẫn là những người tốt nghiệp đại học. Trường đại học vẫn còn con đường đảm bảo nhất để học được những kỹ thuật tiên tiến cùng các kỹ năng giúp nhân sự tìm được việc tại Google. Một tấm bằng đại học dù thế nào cũng vẫn mang đến ít nhiều bảo đảm cho tính chăm chỉ, độ thông minh của ứng viên.


Một điều quan trọng nữa là, những người có bằng đại học sẽ có cơ hội được tuyển dụng cao hơn cùng khả năng kiếm tiền, tốt hơn nhiều so với những ứng cử viên chưa từng bước chân vào cổng trường đại học.


Cũng trong cuộc nói chuyện trên với tờ New York Times, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề nhân sự của Google cho biết thêm, việc đặt ra những câu hỏi hóc búa cho các ứng cử viên khi tham dự vòng phỏng vấn tuyển dụng không hề quan trọng như mọi người tưởng. Phỏng vấn nhân sự mới bằng những câu hỏi "hại não" như vậy chỉ tổ tốn công vô ích mà thôi.


Theo ông, sau khi xử lí thông tin từ hàng chục nghìn cuộc phỏng vấn trong công ty, Google đã đưa ra kết luận cho rằng, không có bất cứ mối liên hệ nào giữa ứng viên trả lời xuất sắc và hiệu quả làm việc sau tuyển dụng.


Google từng nổi tiếng với việc đặt ra những câu hỏi khó nhằn trong phỏng vấn tuyển dụng, như "bạn có thể chất được bao nhiêu quả bóng bông vào trong một chiếc máy bay?", "Có bao nhiêu trạm bán xăng ở Manhattan?". Cách làm này theo Bock "không dự đoán được điều gì". Ông cho rằng, thứ duy nhất có giá trị là phỏng vấn cách ứng xử của ứng viên.


Theo đó, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra một loạt tình huống cụ thể cho ứng viên, để xem họ sẽ giải quyết chúng thế nào. Phỏng vấn kiểu này, nhà tuyển dụng sẽ đặt ra các câu hỏi, mà khi trả lời, ứng viên cần có kinh nghiệm ứng xử, kiến thức, kỹ năng thực tế. Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ dự báo được cách ứng xử và hành động của nhân viên trong tương lai.


"Điều thú vị của phương thức phỏng vấn theo hành vi là ở chỗ, khi hỏi ai đó hoặc yêu cầu ai đó làm một việc gì đó, thì nhà tuyển dụng sẽ có được hai loại thông tin. Một là bạn có thể biết họ sẽ làm gì trong một tình huống thực tế. Điều thứ hai là biết được quan điểm của người tuyển dụng về việc thế nào là sự khó khăn”, Phó chủ tịch Google cho biết thêm.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn