Hé lộ nguyên nhân chim cánh cụt không thể bay - Báo Khoa học


Giới nghiên cứu rốt cuộc đã khám phá ra lí do tại sao chim cánh cụt không thể bay. Theo họ, đó là vì loài chim này đã tiến hóa để biết bơi và lặn nhờ dùng đôi cánh tạo lực đẩy.


Việc chim cánh cụt không biết bay từng là điều bí ẩn đối với các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới về chim uria - một loài rất giống chim cánh cụt về khả năng bơi và lặn, nhưng vẫn có thể bay - đã giúp mang đến đáp án cuối cùng.


Các nhà khoa học đến từ Đại học Aberdeen (Anh) phát hiện, không có bất kỳ loài chim nào giỏi cả bay và bơi/lặn. Dù không biết by nhưng chim cánh cụt là những sinh vật bơi lộ cừ khôi. Chúng có thể lặn sâu tới 564 mét để bắt cá, mực và những sinh vật giáp xác nhỏ để ăn.


Nhóm nghiên cứu nhận thấy, loài chim uria về cơ bản sử dụng ít năng lượng hơn so với hầu hết những loài chim khác khi chúng lặn. Tuy nhiên, năng lượng chúng cần khi di chuyển trên không trung cao nhất trong tất cả các mức từng được ghi nhận đối với một con chim đang bay và nhiều gấp 31 lần khi chúng nghỉ ngơi.


Hé lộ nguyên nhân chim cánh cụt không thể bay

Chim cánh cụt đã mất khả năng bay khi phát triển kỹ năng bơi/lặn dùng đôi cánh tạo lực đẩy hiệu quả. (Ảnh: Corbis)


Giáo sư John Speakman, một thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các khám phá của chúng tôi về mức năng lượng tiêu hao khi bơi và lặn của loài chim uria khớp hoàn toàn với những dự đoán của mô hình cơ sinh học".


Việc chim cánh cụt không biết bay từng là một bí ẩn vì nó dẫn tới một hành vi dường như thể hiện sự kém thích nghi. Chẳng hạn như, chim cánh cụt hoàng đế thường đi bộ tới 60km giữa nơi tụ tập của chúng trên bãi biển và đại dương - một hành trình kéo dài vài ngày nhưng có thể rút ngắn trong vài tiếng đồng hồ nếu chúng biết bay.


Thêm vào đó, nhiều con chim cánh cụt trở thành mục tiêu của các động vật săn mồi, chẳng hạn như hải cẩu khi ra biển. Vấn đề này có thể dễ dàng tránh được nếu chim cánh cụt có thể bay dù chỉ ở trên đầu của kẻ thù săn mồi.


Tuy nhiên, khi áp dụng giả thuyết mới đối với trường hợp chim cánh cụt, ta có thể thấy, việc chúng không biết bay có thể do việc hy sinh chức năng của đôi cánh trong không trung để đổi lấy việc tối đa hóa khả năng hoạt động của cánh ở dưới nước.


Ông Speakman lý giải thêm rằng, trong quá trình tiến hóa, đôi cánh của chim cánh cụt đã biến đổi để trở nên thích nghi hơn với việc bơi và lặn trong đại dương, nơi chúng tìm kiếm thức ăn, nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng. Cùng lúc đó, năng lượng cần có cho việc bay của chim cánh cụt ngày càng trở nên lớn hơn. Và đến một thời điểm nào đó, loài chim này không thể chịu đựng được việc tiêu hao quá nhiều năng lượng cho việc bay nên từ bỏ khả năng di chuyển trên không trung và dần dần không thể bay được nữa.


Nhà nghiên cứu này nhận định, có lẽ các lợi ích về sử dụng năng lượng hiệu quả khi tìm kiếm cái ăn đã bù đắp cho sự kém hiệu quả của chim cánh cụt khi phải đi bộ bất cứ khi nào trên đất liền. Ông cho rằng, chim uria có thể là phiên bản thời hiện đại của những tổ tiên cổ xưa của loài chim cánh cụt, khi chúng chưa mất khả năng bay.






Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn